Puerto Rico, hòn đảo nằm trong vùng biển Caribe, là vùng lãnh thổ phụ thuộc Mỹ từ năm 1898 nhưng đến nay vẫn không được hợp nhất và không được xem là tiểu bang. Cũng vì thế, người dân Puerto Rico bỏ phiếu chọn thống đốc, thị trưởng và các thành viên cơ quan lập pháp địa phương cũng vào ngày 3/11, trùng với ngày bầu cử toàn quốc của Mỹ.
Tuy nhiên, đúng một tuần sau, nhà chức trách hòn đảo bất ngờ phát hiện còn gần 200 thùng phiếu chưa được kiểm đếm. Diễn biến này có khả năng tác động đến nhiều cuộc tranh cử đã kết thúc với kết quả sít sao, đặc biệt là ghế thị trưởng San Juan.
Với số lượng phiếu mới đáng kể, nhà chức trách Puerto Rico có thể phải kiểm đếm lại từ đầu. Cơ quan bầu cử Puerto Rico thừa nhận một số kết quả bầu cử sẽ chịu tác động dù đã được xác nhận sơ bộ.
Trong những trường hợp này, người được tuyên bố thắng cuộc vào tuần qua cách đối thủ chỉ vài phiếu bầu. Đơn cử là cuộc đua cho ghế thị trưởng thành phố Culebra, thị trưởng tân cử chiến thắng nhờ hơn đối thủ chỉ 2 phiếu. Điều tương tự diễn ra tại Guanica, cách biệt giữa người thắng kẻ thua chỉ là 9 phiếu.
Điểm kiểm phiếu giai đoạn bầu cử sớm của thành phố San Juan. Ảnh: New York Times. |
Kỳ bầu cử lịch sử
Kết quả bỏ phiếu tuần qua của hòn đảo được đánh giá là "tạo nên lịch sử". Sau nhiều năm chỉ có 2 đảng lớn là Cấp tiến Mới (PNP) và Độc lập (PIP) cạnh tranh trên chính trường, kỳ bầu cử năm nay chứng kiến sự trỗi dậy của ứng viên các đảng khác.
Pedro Pierluisi, thành viên PNP, đắc cử ghế thống đốc chỉ với 33% phiếu, theo New York Times. Trong khi đó, một ứng viên PIP và một ứng viên Phong trào Công dân Chiến thắng (MVC) - đảng mới thành lập vào năm 2019 - đều giành được 14% phiếu cho mỗi người.
Lần đầu tiên, nghị viện Puerto Rico xuất hiện tình trạng nhiều đảng phái có số đại biểu đáng kể. Trong cuộc đua đến ghế thị trưởng San Juan, ứng viên Manuel Natal Albelo của đảng MVC bị đánh bại với cách biệt chỉ 2.000 phiếu. Trước đây, khi người dân thành phố lớn nhất Puerto Rico bầu thị trưởng, hiếm khi nào một ứng viên ngoài 2 đảng lớn ở gần chiến thắng đến vậy.
Kỳ bầu cử lần này còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai người dân Puerto Rico. Lá phiếu của họ không chỉ quyết định người lãnh đạo cho chính quyền và các đại biểu dân cử trong cơ quan lập pháp địa phương. Đây còn là một cuộc trưng cầu dân ý về ý tưởng đưa Puerto Rico trở thành bang thứ 51 của Mỹ.
Kết quả trưng cầu dân ý không mang tính ràng buộc. Viễn cảnh lưỡng viện Mỹ tán thành ý tưởng nâng cấp độ của hòn đảo thành đơn vị hành chính cấp bang vẫn khá xa vời. Tuy nhiên, chí ít thì kết quả bầu cử sẽ thể hiện được ý nguyện của người dân về "danh phận" cho hòn đảo trong tương lai.
Đây đã là lần thứ 6 nhà chức trách Puerto Rico tổ chức trưng cầu dân ý về vận mệnh của hòn đảo. Trong những lần lấy ý kiến trước, nhà chức trách hòn đảo có lúc còn bổ sung những lựa chọn khác như quốc gia độc lập hoặc khối thịnh vượng.
Theo định nghĩa của Bộ Ngoại giao Mỹ, khái niệm "khối thịnh vượng" không đặt ra vị thế chính trị hay tình trạng quan hệ ngoại giao. Khi dùng cho lãnh thổ thuộc Mỹ, khái niệm này thể hiện chính quyền tự trị và quyền lập chính quyền tự trị sẽ không bị Quốc hội Mỹ đơn phương vô hiệu.
Ủy viên thường trú Jenniffer Gonzalez, đại biểu duy nhất của Puerto Rico tại Hạ viện Mỹ nhưng không có quyền bỏ phiếu, tuyên bố bà sẽ đưa kết quả cuộc trưng cầu dân ý lên lưỡng viện.
"Chúng tôi sẽ thúc đẩy cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ vì đây là vấn đề luật pháp đối với hai đảng", bà trả lời ABC News.
Nhà chức trách Puerto Rico phát hiện gần 200 thùng phiếu chưa kiểm, khiến các bên yêu cầu kiểm phiếu lại. Ảnh: New York Times. |
Thùng phiếu thất lạc
Trong cả 2 lần bỏ phiếu vào năm 2012 và 2017, số cử tri Puerto Rico ủng hộ hòn đảo hợp nhất với Mỹ luôn đông hơn những người đòi độc lập. Tuy nhiên, tính chính danh của kết quả lại bị hoài nghi vì số cử tri đi bầu thấp và câu hỏi bị đánh giá là dễ gây hiểu nhầm.
Gần 200 thùng phiếu "thất lạc" được tìm thấy và chưa qua kiểm đếm giữa giai đoạn niềm tin của người dân vào hệ thống bầu cử Puerto Rico gặp nhiều thách thức.
Theo New York Times, dư luận hòn đảo đã bức xúc từ 3 tháng trước, khi người cử tri tham gia bỏ phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ phải đứng chờ hàng giờ liền dưới trời nắng nóng. Bê bối tuần này có thể khiến cư dân Puerto Rico giảm niềm tin vào quy trình bầu cử và đầu sâu thêm những bất bình của người dân với chính quyền địa phương.
"Bi kịch không phải là kết quả cuối cùng của vụ này. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ ai thật sự tin vào hệ thống của chúng ta sau một vòng bầu cử sơ bộ thất bại và diễn biến hiện nay của kỳ bầu cử", William Ramirez, giám đốc tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ ở Puerto Rico, chia sẻ.
Chính trường hòn đảo đã xảy ra nhiều biến động thời gian qua. Người dân địa phương vào năm 2019 đã xuống đường biểu tình và buộc Thống đốc Ricardo Rossello từ chức. Sau những bê bối về tham nhũng, vụ lùm xùm về thùng phiếu "thất lạc" chỉ khiến cho uy tín của chính quyền hòn đảo thêm lung lay.
"Đầu tiên họ nói tìm thấy 4 thùng phiếu chưa kiểm. Sau đó là 50. Đêm qua là 100 thùng. Đến sáng, tôi lại nghe là 115 thùng. Hiện nay, tôi nghĩ con số đã là 190", Fermin Arraiza, một giám sát viên bầu cử, ngày 11/11 chia sẻ.
Theo Manuel Natal Albelo, ứng viên thất cử ghế thị trưởng San Juan, vụ bê bối đẩy Puerto Rico vào tình trạng "mơ hồ chưa từng thấy trong lịch sử bầu cử" của hòn đảo. Ông tuyên bố sẽ tập hợp chữ ký của cử tri để đòi kiểm phiếu lại, dù chưa đưa ra cáo buộc về gian lận bầu cử.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/be-boi-kiem-thieu-phieu-bau-lam-chan-dong-hon-dao-cua-my-a10066.html