Phá vỡ quy hoạch
Ngày 13/10, UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có văn bản 1551/UBND-TNMT chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, phòng Tài nguyên Môi trường, văn phòng đăng ký đất đai huyện tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái quy định.
Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo và thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo… về việc môi giới buôn bán đất nền tự phân lô gắn mác khu nghỉ dưỡng, dự án đầu tư để thu hút người mua tại một số huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Riêng địa bàn huyện Lâm Hà, qua rà soát tại các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, thị trấn Nam Ban (cụm Nam Ban), Phúc Thọ, Tân Hà (cụm Tân Hà) đang có dấu hiệu xuất hiện tình trạng nêu trên. Việc phân lô, chuyển nhượng không phù hợp sẽ phá vỡ quy hoạch, gây áp lực về vấn đề môi trường, kéo theo nhiều hệ luỵ liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại, an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Để giải quyết hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng đúng quy định và tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, vi phạm pháp luật về đất đai.
Báo cáo của Thanh tra huyện Lâm Hà chỉ ra, từ đầu năm 2020 đến nay, phòng Tài nguyên Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 trường hợp về hành vi lấn, chiếm và huỷ hoại đất lâm nghiệp. Tổng diện tích xử phạt là 82.826 m2, tổng số tiền phạt là 502 triệu đồng và buộc các đối tượng khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại đất lấn, chiếm và trồng lại rừng.
Đồng thời, kiểm tra 4 doanh nghiệp gồm Công ty Tân Mai, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khải Tâm, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái, Công ty CP Địa ốc Việt R.E.M.A.X thực hiện việc giải toả đối với 40,88 ha đất bị lấn chiếm tại dự án.
Do đó, UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm cấm các trường hợp tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường, múc đất san gạt mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trên địa bàn quản lý. Kiên quyết yêu cầu tổ chức, cá nhân khắc phục nguyên trạng khu đất. Trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng báo cáo tổng hợp các trường hợp vi phạm về đất đai về UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo.
Tương tự, UBND TP Bảo Lộc cũng có văn bản giao phòng Tài chính Kế toán chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường, Quản lý đô thị, Kinh tế, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và UBND các phường, xã kiểm tra, rà soát các thông tin pháp lý một số khu vực được gọi là dự án đang triển khai giao dịch bất động sản trên địa bàn, tham mưu báo cáo UBND TP xem xét. Nguyên nhân, hiện nay trên địa bàn Bảo Lộc có một số tổ chức, cá nhân đang tự ý thực hiện giao dịch bất động sản tại một số khu vực được gọi là dự án làm phá vỡ quy hoạch.
Bảo Lộc yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn, nhất là những khu vực quy hoạch các dự án nhằm hạn chế những vấn đề phát sinh khi các nhà đầu tư triển khai dự án. Đồng thời, các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo trên, thường xuyên kiểm tra, rà soát báo cáo các cơ quan cấp trên để xem xét, giải quyết.
Phá rừng làm dự án
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản 375/TB-UBND chỉ đạo sở, ngành và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại huyện Lạc Dương.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Công an, kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng. Khẩn trương điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm nổi cộm, phức tạp xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua. Cụ thể, vụ phá rừng tại tiểu khu 145A, 145B, 112B, 118; 2 vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại tiểu khu 123 thuộc dự án của Công ty TNHH Khánh Giang và tiểu khu 132 thuộc dự án của Công ty TNHH Thuỷ Điện và du lịch sinh thái Thác Rồng; vận chuyển gỗ trái pháp luật tại khu vực Suối Vàng.
Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; tổ chức rà soát, giải toả ngay đối với diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; kiên quyết không để đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng, sang nhượng trái pháp luật diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; giải toả xử lý triệt để tình trạng dựng lán, quán tạm dưới tán rừng không để phát sinh phức tạp.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, vi phạm tại các dự án đầu tư.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản số 8777/UBND-XD, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có) tại làng biệt thự tiểu khu 268, thuộc thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Đây là khu đất UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty CP Du lịch Sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ, phát triển du lịch. Tuy nhiên, làng biệt thự này lại xây dựng trên phần đất lâm nghiệp. UBND tỉnh Lâm Đồng giao huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra thực tế và xác minh nội dung phản ánh, lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tiền phong
Link nội dung: https://diendantieudung.net/phan-lo-dat-nen-tu-phat-gan-mac-khu-nghi-duong-lam-dong-a10185.html