Hưởng lợi từ giá gạo, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn

Nhờ giá gạo tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo ghi nhận mức tăng trưởng kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3/2020.

Ngành gạo được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu với giá cao từ 600-1.000 USD/tấn đã được các doanh nghiệp thương thảo thành công đang mở ra cơ hội mới cho ngành gạo Việt Nam.

Để đáp ứng được tiêu chuẩn của Châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần có mô hình chuỗi gạo liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra. Công ty chứng khoán SSI đánh giá, Lộc Trời, NSC và Trung An là các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng cho đầu ra, do đó có khả năng được hưởng lợi từ EVFTA.

Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) cho thấy, có sự hồi phục đáng kể trong quý 3/2020 nhờ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp và tiết giảm chi phí.

xk-gao-1

Nhờ giá gạo tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo ghi nhận mức tăng trưởng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2020. Ảnh: Đình Huệ/TTTXVN

Báo cáo tài chính quý 3/2020 của Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.772 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm tới 12% nên lợi nhuận gộp tăng 7%, đạt 372 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 92 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu mảng gạo giảm hơn 42% xuống 488 tỷ đồng, chỉ còn đóng góp khoảng 1/4 tổng doanh thu. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp mảng này được cải thiện mạnh từ 3,3% cùng kỳ lên 5,8%, đã góp phần nâng biên lợi nhuận chung từ 18% lên 21%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần Lộc Trời đạt 3.972 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu về 205 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019 và thực hiện được 57% kế hoạch năm.

Sự thay đổi này là do công ty đẩy mạnh bán gạo có thương hiệu thay thế dần xuất khẩu gạo hàng hóa; riêng nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời đang xuất hiện tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, BigC cũng như gia tăng hiện diện tại Bách Hóa Xanh và VinMart. Thời gian tới, xuất khẩu gạo của Lộc Trời vào thị trường EU dự kiến sẽ gia tăng nhờ Hiệp định EVFTA tác động rất ít LTG. Theo đó, trong tháng 9, Lộc Trời cũng đã có đơn hàng xuất khẩu 126 tấn gạo thơm Jasmine 85 đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Một doanh nghiệp ngành gạo khác, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ( HNX: TAR ) có doanh thu thuần quý 3 đạt 539 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 21 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của TAR cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước, đạt 85 tỷ đồng.

Theo đánh giá của SSI Research, tổng công suất thiết kế của Trung An hiện đạt 300.000 tấn gạo/năm. Tỷ trọng bán gạo trong nước là 80% và xuất khẩu 20%, sản phẩm trong nước được bán dưới thương hiệu Trung An và VinEco. Thị trường xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Úc, các nước Trung Đông và Châu Á. Trong tháng 8, công ty cũng ký hợp đồng xuất 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine sang Đức.

Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (mã: NSC) một đơn vị thành viên của The PAN Group, cũng có sự tăng trưởng cao trong quý vừa qua.

Theo đó, doanh thu thuần NSC trong quý 3/2020 đạt 296 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao lên đến 36%. Sau khi trừ các chi phí, công ty lãi sau thuế hơn 31 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty lý giải nguyên nhân do ký được một số hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện các dự án giống.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, NSC lãi sau thuế hơn 124 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Vinaseed ngày nay đã khép kín chuỗi giá trị ngành gạo, từ liên kết với nông dân, xây dựng nhà máy chế biến và có nhiều thương hiệu gạo riêng. Cuối tháng 8, công ty xuất khẩu gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang thị trường Australia, đánh dấu lần đầu tiên sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Australia.

Tại châu Âu, Vinaseed cũng xuất khẩu 2 thương hiệu gạo (VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT) với mức giá vượt trội 1.040 USD mỗi tấn. SSI Research cho biết gạo thơm RVT đã đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn và được hưởng thuế suất 0%, công ty đang hoàn thiện thủ tục để xin thuế suất 0% cho các giống gạo khác. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng nông sản đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gạo là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng 8,2%, đạt 2,6 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên sàn thế giới cũng tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện có giá gần 463 USD/tấn theo thống kê của YCharts, tương đương tăng 32% trong 1 năm qua và là mức giá cao nhất kể từ 2011 đến nay.

Link nội dung: https://diendantieudung.net/huong-loi-tu-gia-gao-nhieu-doanh-nghiep-bao-lai-lon-a10199.html