Khi người vô gia cư được sống trong khách sạn xa xỉ để tránh dịch

Khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố New York (Mỹ) chuyển một số khách sạn xa xỉ thành nơi ở cho người vô gia cư. Nhiều cư dân phản đối, một số khác ủng hộ.

Một ca sĩ opera từng theo học ngành quan hệ công chúng đang chật vật tìm việc làm. Bạn cùng phòng của anh ta vừa ra tù năm ngoái. Một người khác cố thoát khỏi cơn nghiện rượu. Theo New York Times, cả ba giờ đều sống tại Lucerne Hotel, khách sạn xa xỉ ở Upper West Side.

Lucerne là một trong 63 khách sạn được thành phố New York biến thành chỗ trú ẩn cho người vô gia cư kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc chuyển khách sạn thành nơi ở của người vô gia cư đã dẫn đến những vụ kiện, hàng chục cuộc biểu tình, họp báo và chia rẽ cư dân địa phương.

Hàng trăm người đã tập hợp để gây áp lực buộc Thị trưởng Bill de Blasio và chính quyền thành phố đưa những người vô gia cư ra khỏi các khách sạn. Mắc kẹt ở giữa là nhóm người vô gia cư.

Noi o cua nguoi vo gia cu anh 1

Các khách sạn xa xỉ tại New York trở thành nơi ở cho người vô gia cư trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Thành phố chia rẽ

Tuy nhiên, nhiều cư dân, nhà hoạt động và nhóm vận động khác ủng hộ những người vô gia cư này. Vào tháng 10, một thẩm phán đã hoãn kế hoạch đuổi họ ra khỏi khách sạn của khu phố. Ông DaBaron, 51 tuổi, và một số người đàn ông khác ngỡ ngàng khi được nhiều người chào đón bằng những lời lẽ tử tế.

Họ thậm chí còn quyên góp quần áo. "Họ đặt con mình vào vòng tay chúng tôi. Tôi còn không biết những người phụ nữ đó", ông DaBaron kể lại. "Họ nói: 'Hãy giữ con chó giúp tôi', 'Này, nó yêu ông đó'. Điều này thật điên rồ. Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện này trong đời", người đàn ông vô gia cư cảm thán.

Lucerne đã trở thành tâm điểm bàn tán khi 200 người vô gia cư chuyển đến hồi tháng 7. Một số cư dân phàn nàn rằng những người này sẽ lảng vảng, sử dụng ma túy và thậm chí đi vệ sinh nơi công cộng. Trên Facebook, một nhóm có đến hơn 15.000 thành viên bày tỏ quan điểm gay gắt, thậm chí phân biệt chủng tộc và chửi bới.

Họ còn thuê ông Randy Mastro, một luật sư quyền lực, cựu phó thị trưởng dưới thời Thị trưởng Rudolph W. Giuliani, để đe dọa kiện thành phố. Cuộc tranh cãi gay gắt đến mức ngôi nhà của ông Mastro ở Upper East Side bị vẽ bậy lên: "Randy Mastro, ông không thể đuổi chúng tôi!".

Noi o cua nguoi vo gia cu anh 2

Những người vô gia cư viết lên trước nhà vị luật sư muốn họ rời khỏi khách sạn ở Upper West Side: "Ông không thể đuổi chúng tôi đi". Ảnh: New York Times.

Ông Mastro và ông Megan Martin, Chủ tịch Tổ chức Cộng đồng West Side - nhóm cư dân phản đối những người vô gia cư - khẳng định mục đích của họ là sự an toàn. Trước đại dịch, ông de Blasio hứa sẽ chấm dứt việc phụ thuộc vào các khách sạn như một điểm tiếp nhận những người vô gia cư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, thành phố đã đẩy mạnh sử dụng khách sạn để làm chỗ ở cho khoảng 9.500 người vô gia cư. Sau chuyến thăm đến Upper West Side hồi tháng 9, Thị trưởng de Blasio mô tả tình hình là "không thể chấp nhận được". Kể từ đó, New York bắt đầu tiến hành kế hoạch di dời những người đàn ông này.

Sau các cuộc biểu tình, thành phố cũng từ bỏ ý tưởng chuyển các gia đình ra khỏi nơi ở gần Empire State Building để nhường chỗ cho những người vô gia cư. Sau đó, New York tiếp tục lên kế hoạch chuyển nhóm người vô gia cư đến Radisson nhưng bị cư dân tại đó đệ đơn kiện.

Một số người vô gia cư tại Lucerne, bao gồm ông DaBaron, cũng có luật sư. Họ tuyên bố những hành động trên đã gây tổn thương cho họ và những người khác ở khách sạn.

"Hy vọng duy nhất"

Ngày 19/10, Tư pháp Debra James ban hành lệnh cấm tạm thời. Lệnh này sẽ cho phép những người đàn ông ở lại Lucerne thêm một thời gian. Hiện, họ vẫn đang chờ phán quyết của thẩm phán.

Một số người vô gia cư không muốn rời khỏi Lucerne vì họ đã thân thiết với một tổ chức có tên Upper West Side Open Hearts Initiative. Mới đây, vài chục người vô gia cư rời khỏi khách sạn để đến cửa hàng được nhóm Upper West Side Open Hearts Initiative xây dựng. Nhiều người rời khỏi với quần jean, tất và áo len mới được tặng.

Anh Steven Hackett III, một ca sĩ opera, đã tìm thấy một vài chiếc cà vạt và một chiếc áo len mà anh rất thích. Anh Hackett III dự định mặc bộ quần áo mới cho các cuộc phỏng vấn xin việc.

Trước khi tới Lucerne, anh Hackett, 35 tuổi, phải ở nhà thương tại Queens một thời gian để điều trị cơn động kinh anh gặp phải ở một nơi ở dành cho người vô gia cư. Trong thời gian điều trị, anh Hackett nhiễm Covid-19 và bị sốt cao trong 2 tuần. Khi kể lại với New York Times, anh nhớ đến những bệnh nhân đã qua đời.

Noi o cua nguoi vo gia cu anh 3

Ông DaBaron, một người vô gia cư 51 tuổi, được sống tại Lucerne Hotel. Ảnh: New York Times.

Bạn cùng phòng của anh Hackett, anh Jerry Lugo, đã sống tại nơi ở dành cho người vô gia cư sau khi mãn hạn tù vào tháng 8/2019. Anh ta nói rằng nó "chẳng khác gì nhà tù". Cuộc sống của anh thoải mái hơn khi ở Lucerne. Tuy nhiên, anh Lugo vẫn lo lắng cho tương lai.

Khi nhóm Open Hearts đã chào đón những người vô gia cư, một cư dân khác vẫn căm ghét thậm tệ. "Tôi đi bộ xuống khu nhà và cảm thấy năng lượng tồi tệ. Ở đó có một trong những kẻ vô gia cư", người này than thở.

Trong khi đó, ông DaBaron trở thành một nhà kêu gọi cộng đồng. Đó là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với người đàn ông tưởng rằng mình đã chết trong năm nay.

Trước đó, ông ở một "mái ấm vô gia cư" có tên Kenton Hall Men’s Shelter ở Bowery. Tại đó, ông DaBaron nhiễm Covid-19 và được chuyển đến cơ sở cách ly ở Queens. Sau khi hồi phục, ông trở lại nơi ở tại trung tâm thành phố, sau đó đến khách sạn Washington Jefferson ở Hell’s Kitchen, và cuối cùng là Lucerne vào tháng 7.

Giờ, ông hy vọng mình và những người khác sẽ được phép ở lại Lucerne, ít nhất là qua đại dịch. "Chúng tôi chỉ còn một cơ hội duy nhất. Tôi hy vọng ngài thị trưởng sẽ có lòng từ bi. Nhưng có lẽ tôi đã sai", ông chia sẻ.

Link nội dung: https://diendantieudung.net/khi-nguoi-vo-gia-cu-duoc-song-trong-khach-san-xa-xi-de-tranh-dich-a10470.html