Bất chấp những thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Các chuyên gia nhận định sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng, cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm sau và xa hơn nữa.
Trong báo cáo cập nhật về Việt Nam vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%. Theo các chuyên gia của Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh mẽ, nhờ sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, sản xuất...
Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định: "Chúng tôi cho rằng giữa bối cảnh tiềm ẩn rủi ro tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cách Việt Nam định vị sẽ rất quan trọng trong việc duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt cơ cấu, ngành sản xuất phải giảm thiểu tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi trên toàn cầu. Điều này cần được giải quyết một cách hiệu quả bằng một kế hoạch toàn diện. Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các ngành để giảm sự tập trung vào lĩnh vực sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI từ các khu vực khác trong trung hạn".
ất chấp những thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III. Ảnh minh họa.
Trang The Edge Singapore trích nhận định của Ngân hàng UOB đánh giá: Với mức tăng trưởng GDP quý III năm 2024 là 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng kinh tế liên tục nhờ vào lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ, cùng với xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hãng thông tấn Đức DW đăng bài viết lý giải nguyên nhân thành công của kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ chi phí lao động thấp, lực lượng lao động trẻ và đông đảo, với 58% dân số dưới 35 tuổi. Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tăng cường cải cách cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư công, quản lý các rủi ro tài chính mới phát sinh.
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy một số kết quả đầy hứa hẹn, cùng với những quyết định chính sách mà chính phủ Việt Nam cần đưa ra vào thời điểm này. Chúng tôi tin rằng đây là giai đoạn chuyển tiếp khi Việt Nam đang lấy lại động lực như thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam cần tìm kiếm một số biện pháp kích thích có thể giúp ích cho nền kinh tế trong dài hạn", Giá sư Pankaj Jha - Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ đánh giá.
Trang Khalei Times đánh giá Việt Nam là một "ngôi sao sáng" của châu Á và đóng vai trò là một nền kinh tế năng động tại khu vực, thể hiện khả năng phục hồi và tăng trưởng thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và cam kết phát triển bền vững trên trường toàn cầu.