Lao động ngành dệt may đối mặt nguy cơ thất nghiệp

Theo Navigos Search, do là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ hai vào tháng 8, đa số doanh nghiệp dệt may giảm đáng kể về nhu cầu tuyển dụng.

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong quý III/2020 cho biết xu hướng người lao động trong ngành dệt may đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao ngay cả khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Lý do được hãng nhân sự này đưa ra do dệt may là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ hai vào tháng 8 khiến đa số doanh nghiệp trong ngành giảm đáng kể nhu cầu tuyển dụng.

Sự sụt giảm này là do sức mua của các khách hàng ngành dệt may tại châu Âu, Mỹ và các thị trường khác giảm. Tại nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước, việc các đối tác nước ngoài tại Mỹ và châu Âu phá sản như trường hợp của The New York & Co (đối tác của Công ty CP May Sông Hồng) cũng khiến số đơn hàng ngành dệt may sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, từ tháng 2 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã thay đổi mặt hàng sản xuất, chuyển đổi từ may quần áo sang khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế để xuất khẩu.

Nguoi lao dong nganh det may doi mat nguy co that nghiep anh 1

Đối tác của May Sông Hồng là The New York & Co đã phải nộp đơn xin phá sản vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg.

Theo Navigos Search, nhân sự ngành dệt may quý III cũng phải đối mặt với những khó khăn như giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm lương tại các công ty có quy mô lớn. Các công ty có quy mô nhỏ cũng áp dụng việc cắt giảm lương, giảm nhân sự. Một số trường hợp cá biệt phải đóng cửa không hoạt động trong thời gian dài.

Các nhân sự trong ngành này cũng đang phải đối mặt với những thử thách về sự an toàn công việc khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Đặc biệt, khả năng tìm công việc mới trong ngành dệt may cũng khó khăn hơn, nhất là công việc mới không bị giảm lương so với mức hiện tại.

Tuy vậy, theo ghi nhận của Navigos Search, việc dịch chuyển dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu tuyển dụng của ngành dệt may trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tiếp theo.

Theo đó, những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Hiện tại, đã có những công ty, nhà máy dệt đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành này còn xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung, tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô hoạt động, xây mới nhà máy, hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam, chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự.

Theo báo cáo của Navigos Search, trong quý III vừa qua, nhu cầu tuyển dụng sụt giảm ở hầu hết ngành nghề nói chung. Một vài ngành ghi nhận nhu cầu tăng là hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, năng lượng và bảo hiểm.

So với cùng kỳ năm ngoái, quý III năm nay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua hệ thống của Navigos Search đã giảm 23,5%. Các ngành sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin nằm trong top 3 ngành có nhu cầu cao nhất theo ghi nhận từ hãng. Đặc biệt, mức lương cao nhất ghi nhận trong quý vừa qua là 280 triệu đồng/tháng đến từ một ứng viên trong ngành ngân hàng.

Link nội dung: https://diendantieudung.net/lao-dong-nganh-det-may-doi-mat-nguy-co-that-nghiep-a6349.html