Quyết bỏ quyền khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ quản lý chào bán chứng khoán, đến dự thảo cuối cùng, đề xuất bỏ quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vẫn được giữ nguyên.

Trong khi hàng loạt ngân hàng không đồng tình với đề xuất bỏ quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại các doanh nghiệp đại chúng, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ quản lý chào bán chứng khoán (thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên đề xuất này trong dự thảo cuối cùng.

Cụ thể, theo ông Hải, dự thảo đưa ra quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, trừ một số ngành nghề mà các điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác. So với quy định hiện hành (Nghị định số 60/2015/NĐ-CP) nội dung mới đã bỏ cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác".

Quy định mới này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không còn quyền tự quyết định việc khóa, mở room ngoại thông qua điều lệ công ty như trước (nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài theo quy định).

Bo quyen khoa room ngoai cua ngan hang anh 1

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán. Ảnh: KTCK.

Vụ trưởng Vụ quản lý chào bán chứng khoán cho biết việc giữ nguyên đề xuất trên nhằm hướng tới minh bạch thị trường và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

“Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải nghiên cứu tình hình thị trường, trình lên các cấp phê duyệt. Trường hợp quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại trình cổ đông khóa room. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam không minh bạch”, ông nói.

Vị lãnh đạo UBCK cũng khẳng định để điều lệ công ty quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề minh bạch thị trường nói trên.

Ông Hải nhấn mạnh đề xuất này phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành. Theo đó, căn cứ vào Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài được “không giới hạn tiếp cận” thị trường, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề quy định riêng tại các Hiệp ước.

Trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Nếu trao quyền tự khóa room ngoại cho công ty sẽ hạn chế quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông.

“Do đó chúng tôi bỏ quy định điều lệ công ty được quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo”, ông Hải cho biết thêm hiện cơ quan soạn thảo chưa nhận được ý kiến thẩm định cuối cùng từ Bộ Tư pháp, khi có thẩm định quyết định sẽ được đưa ra.

Trước đó, giải trình về đề xuất bỏ quyền tự quyết room ngoại của doanh nghiệp, UBCK cho rằng một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, gây mất bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu…

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng sẽ ảnh hưởng tới việc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng bỏ quyền tự quyết room ngoại của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư nước ngoài tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, nhưng lại làm mất đi mục tiêu lớn của ngân hàng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Hiện tại, room ngoại tối đa tại các ngân hàng hiện nay chỉ là 30%. Vì vậy, các ngân hàng thường xuyên dùng quyền tự quyết để khóa tỷ lệ sở hữu này. Trường hợp không được tự quyết room ngoại, các nhà băng cho rằng sẽ không còn quyền đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, hàng loạt ngân hàng đã công bố khóa room ngoại như HDBank (21,5%); Techcombank (22,5%); VPBank (15%)…

Link nội dung: https://diendantieudung.net/quyet-bo-quyen-khoa-ty-le-so-huu-nuoc-ngoai-cua-doanh-nghiep-a6353.html