Tàu chở dầu đến Anh bị chiếm quyền điều khiển

Quân đội Anh đã giành lại quyền kiểm soát một tàu chở dầu thả neo ở eo biển Manche sau khi bảy người đi lậu trên tàu này trở nên bạo lực và có thể đã cướp tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã ủy quyền hành động này theo yêu cầu của cảnh sát, Bộ Quốc phòng Anh cho biết. Cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra và các báo cáo ban đầu xác nhận thủy thủ đoàn của tàu chở dầu vẫn an toàn.

“Tôi khen ngợi nỗ lực của các lực lượng vũ trang và cảnh sát để bảo vệ tính mạng thủy thủ đoàn và bảo đảm an toàn cho con tàu”, ông Wallace nói.

Theo Guardian, ít nhất 7 người bị bắt giữ trong vụ việc.

Vụ việc bắt đầu vào sáng 25/10 trên tàu chở dầu Nave Andromeda đăng ký ở Libya.

Tàu Nave Andromeda rời Lagos, Nigeria, vào ngày 6/10 và dự kiến cập cảng Southampton, Anh, lúc 10h30 sáng 25/10. Tuy nhiên, con tàu lại đi vòng quanh khu vực cách Đông Nam Sandown 8 km tại Đảo Wight từ lúc 10h, dữ liệu theo dõi cho thấy.

Lực lượng tuần duyên đã điều hai máy bay trực thăng đến hiện trường và nhà chức trách áp đặt vùng cấm 4,8 km xung quanh con tàu.

tau cho dau den Anh bi cuop anh 1

Tàu Nave Andromeda tại Noordzeekanaal, Hà Lan vào tháng 4/2014. Ảnh: AP.


Chris Parry, đô đốc Hải quân Hoàng gia đã nghỉ hưu và hiện là thành viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia, nói ông nghi ngờ những đi lậu trên tàu trở nên bạo lực khi tàu gần đến cảng. Ông Parry cũng nói thủy thủ đoàn có thể đã rút lui đến một khu vực an toàn để giữ quyền kiểm soát tàu.

Thuyền trưởng có lẽ muốn tránh đưa con tàu chở đầy dầu vào khu vực đông dân cư gần căn cứ hải quân Portsmouth, nơi có các tàu sân bay của Anh, trong khi sự cố này xảy ra, ông Parry nói.

“Bạn không muốn con tàu ở gần bất cứ nơi đâu gần khi chuyện này đang diễn ra”, ông Perry cho biết. "Vì vậy, thuyền trưởng có lẽ khá khôn ngoan và sau khi tham khảo ý kiến của chủ tàu, người này đã nhổ neo ra khỏi đảo Wight".

Ông Bob Seely, người đại diện cho đảo Wight tại quốc hội, cho biết chính phủ Anh có khả năng sẽ triệu tập một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp để thảo luận về vụ việc. Rắc rối trên con tàu là mối quan tâm đặc biệt vì con tàu này chở dầu và xuất phát từ Tây Phi, ông Seely nói.

“Tôi ngờ rằng vì bản chất của vụ việc, đây sẽ được coi như hành động chống khủng bố trên biển”, ông Seely nói với Sky News.

Ông Parry cho biết những vụ việc đi lậu tàu như vậy không phải là hiếm và có khả năng gia tăng khi người di cư tìm kiếm những cách mới để vào Anh.

Link nội dung: https://diendantieudung.net/tau-cho-dau-den-anh-bi-chiem-quyen-dieu-khien-a7302.html