'Bắc cầu' cho hàng hóa Việt vươn khơi

Hàng hóa Việt Nam, từ những thương hiệu đã có tên tuổi vài chục năm đến những thương hiệu vài năm tuổi đều có cơ hội ngang nhau trong các cuộc kết nối vào hệ thống siêu thị lớn, vừa diễn ra vào cuối tuần qua.

Thuận lợi tiến vào siêu thị

Trong khuôn khổ chương trình Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam (diễn ra từ 23-25/10/2020 ở Hà Nội), phiên kết nối hàng hóa Việt vào hệ thống Central Retail tại Việt Nam và Thái Lan đã thu hút rất đông DN Việt. Ông Trần Kim Sơn, đại diện Công ty ZClean cho biết, đây là lần đầu tiên ZClean “tiến cử” hàng hóa vào hệ thống siêu thị lớn như Big C và Go Maket của Central Retail và “khá tự tin”. 

Trong xu hướng khách hàng ưa thích các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nên dù mới có 2 năm xuất hiện trên thị trường nhưng các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc từ thực vật của ZClean đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị như Hapro, các hệ thống siêu thị mini ở các tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, một khó khăn mà Công ty này gặp phải là vấn đề giá cả - khá cao so với các mặt hàng truyền thống khác nhưng ông Sơn cho rằng với chiến dịch hợp tác trải nghiệm sản phẩm và xu hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm chắc chắn có chỗ đứng. 

Cũng gặp phải vấn đề “giá cao” trong cuộc kết nối vào hệ thống siêu thị lớn là các mặt hàng nông sản của tỉnh Hà Tĩnh. Đại diện bên thu mua của Big C cho biết, hiện Big C đã có khá nhiều mặt hàng cùng loại trong hệ thống nên với mức giá mà sản phẩm OCOP 3 sao của Hà Tĩnh sẽ khó cạnh tranh nên đại diện bên thu mua Big C đã đề nghị các hợp tác xã ở Hà Tĩnh tìm cách hạ giá thành sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng. 

“Chúng tôi muốn mua sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá thành hợp lý nhất để người tiêu dùng có thể hưởng lợi cao nhất nên hy vọng Hà Tĩnh sẽ có chiến lược phát triển hợp lý để các sản phẩm nông sản Hà Tĩnh sớm góp mặt trong hệ thống siêu thị của GO và Big C” - người đại diện thu mua này nói. Đó cũng là lý do để đại diện thu mua của Central Retail hướng dẫn một số hợp tác xã khác trong việc phát triển đa dạng sản phẩm từ một loại sản phẩm để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, kênh tiêu thụ qua các siêu thị là một kênh tiêu thụ lớn của hàng hóa nông sản Việt Nam. Đó chính là lý do khiến cho tiêu thụ nông sản Việt Nam vẫn tăng 7-8% trong năm nay, bất chấp đại dịch Covid-19 khiến cho tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua giảm mạnh.

1

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm với đối tác Thái Lan tại Chương trình Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam.

Với thế mạnh này, hàng năm 30.000 tấn nông sản Việt Nam đã được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị. Tới đây, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế khi đã có thỏa thuận 3 bên giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Central Retail về việc chiết khấu 0% cho các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn này. 

Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương đàm phán với các hệ thống nước ngoài  khác khi đến mở cửa thị trường Việt Nam cần phải có những chương trình hỗ trợ, ưu tiên cho các DN, hợp tác xã ở khu vực nông thôn để có thể phát triển hàng hóa tại khu vực này, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. 

Những “ông lớn” hào hứng kết nối

Trong khi kết nối vào hệ thống siêu thị trong nước là cuộc chơi của các loại hàng hóa Việt Nam thế hệ mới - những sản phẩm có xu hướng hữu cơ, sống xanh thì các thương hiệu lớn của Việt Nam cũng xuất hiện tại cuộc kết nối giao thương này để tìm con đường ngắn nhất tiến vào hệ thống siêu thị của Central Retail tại Thái Lan, trong số đó có cả Rạng Đông, Hải Châu, Điện Quang…

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh Bánh kẹo Hải Châu cho biết, Hải Châu đang có nhu cầu đưa các sản phẩm thế mạnh như gia vị thực phẩm, bánh kẹo và hướng tới các sản phẩm mang tính chất địa phương như nước ép, các sản phẩm cấp đông sang Thái Lan.

Trước đây, Hải Châu đã xuất khẩu (XK) một số  các lô hàng nhỏ sang các nước khu vực và đang tìm kiếm con đường chính thống bền vững để có thể  đưa hàng sang Thái Lan và kỳ vọng Hải Châu có thể tăng doanh số XK lên 30% trong năm tới nên hy vọng cuộc kết nối này sẽ là tiền đề để Hải Châu tiến sang Thái Lan. 

Đại diện Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng đã có một buổi “tiến cử” mình với Thái Lan khá ấn tượng khi khẳng định “đủ khả năng chinh phục thị trường Thái Lan” nếu có cơ hội vào được hệ thống siêu thị của Central Retail. Vị đại diện này cho biết, lợi thế hàng chục năm nghiên cứu sản phẩm của Rạng Đông đã trình làng những sản phẩm thiết yếu, là sáng tạo và trí tuệ của người Việt Nam. 

Nói về việc XK hàng hóa qua hệ thống của Central Retail tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc cho biết, năm 2019, kim ngạch XK qua hệ thống Central Retail tại Việt Nam đạt 250 triệu USD. Các mặt hàng XK chủ yếu là phi thực phẩm như da giày, dệt may, túi xách. Ngoài ra còn có một số sản phẩm như trái cây sấy, thanh long, vải thiều, khoai lang nhật...

“Đây là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi do sự tương đồng hàng hóa giữa Thái Lan và Việt Nam khá lớn nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách để hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hơn tại thị trường Thái Lan”, bà Phương nói.

(Theo Pháp luật Việt Nam)

Link nội dung: https://diendantieudung.net/bac-cau-cho-hang-hoa-viet-vuon-khoi-a7386.html