Ông Nguyễn Văn Thuấn - chủ một doanh nghiệp nuôi cá giống ở Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết trong tháng 7 đã vay 1 tỷ đồng từ Agribank với lãi suất 5%/năm kỳ hạn 6 tháng để chuẩn bị con giống cũng như trang trải các chi phí nuôi trồng.
Do doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Agribank nhiều năm, các giao dịch mua bán với đối tác đều thực hiện qua ngân hàng này nên nhà băng nắm rõ dòng tiền của doanh nghiệp. Từ đó ông Thuấn cũng được tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi nhất.
Năm 2019, ông Thuấn đã 2 lần vay Agribank với mức tín dụng 2 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi suất ngân hàng đưa ra khi đó là 6%/năm. “So với các khoản vay với mục đích kinh doanh, mức lãi 6%/năm là rất ưu đãi. Phía ngân hàng cho biết do doanh nghiệp của tôi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thuộc ngành ưu tiên của Chính phủ cùng với lịch sử tín dụng tốt nên mới được hỗ trợ lãi suất vay thấp như vậy”, ông Thuấn chia sẻ.
Ông chủ doanh nghiệp cá giống nói trên cho biết thêm mới đây, nhân viên ngân hàng tiếp tục thông báo về việc các khoản vay tương tự từ 1/10 sẽ được hưởng mức lãi suất 4,5%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm.
Trong giai đoạn 2016-2020, cùng với các lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý tiền tệ, Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với ông Thuấn, từ 7%/năm hồi 2016 đến nay giảm xuống còn 4,5%/năm.
Đặc biệt, chỉ trong năm 2020, mức lãi suất đã 3 lần được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 4,5%/năm.
“Lãi suất giảm là cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ như gia đình tôi tiết giảm chi phí và mở rộng nuôi trồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh từ đầu năm ảnh hưởng tới đầu ra của sản phẩm”, ông Thuấn nói.
3 lần giảm lãi suất điều hành năm 2020
Theo thống kê của NHNN, tính đến 30/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 9,4%). Trong đó, tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 2,12 triệu tỷ. Ước tính, có khoảng 14,17 triệu khách hàng hiện có dư nợ trong lĩnh vực này, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và tăng 5% so với cuối năm trước.
CÁC LẦN ĐIỀU CHỈNH LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH GIAI ĐOẠN 2016-2020 | |||||||||
Nguồn: NHNN | |||||||||
Nhãn | Trước 2016 | Từ 15/3/2017 | Từ 10/7/2017 | Từ 19/11/2019 | Từ 17/3/2020 | Từ 13/5/2020 | Từ 1/10/2020 | ||
Cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên | spline | %/năm | 7 | 7 | 6.5 | 6 | 5.5 | 5 | 4.5 |
Tái cấp vốn | spline | 6.5 | 6.5 | 6.25 | 6 | 5 | 4.5 | 4 | |
Tái chiết khấu | spline | 4.5 | 4.5 | 4.25 | 4 | 3.5 | 3 | 2.5 | |
Cho vay qua đêm | spline | 7.5 | 7.5 | 7.25 | 7 | 6 | 5.5 | 5 |
Trong giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có tổng cộng 6 lần ra quyết định thay đổi lãi suất điều hành và đều giữ xu hướng giảm, 3 trong đó đến từ đầu năm 2020 này.
Theo các chuyên gia, quyết định giảm lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp từ đầu năm của NHNN là một trong những yếu tố giúp tín dụng tăng trưởng trở lại trong bối cảnh dịch bệnh.
Ba lần giảm lãi suất điều hành cũng là một trong những dấu ấn lớn nhất trong năm cuối nhiệm kỳ Thống đốc NHNN của ông Lê Minh Hưng, người vừa được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên năm nay diễn ra vào giữa tháng 3 khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 0,17% (2 tháng), thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Đặc biệt, tín dụng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản còn giảm 0,09%; tín dụng thương mại giảm 0,9%...
Tăng trưởng tín dụng thấp một phần tác động tới tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ. Tuy vẫn được đánh giá tích cực so với nhiều nền kinh tế khác nhưng đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 của Việt Nam.
Tác động của dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp phải dừng sản xuất, NHNN phải cắt giảm lãi suất điều hành thêm 2 lần nữa vào tháng 5 và cuối tháng 9.
Ông Lê Minh Hưng đã 3 lần đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành trong năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thời điểm lãi suất điều hành giảm lần thứ 2, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho biết động thái này thể hiện chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế của NHNN.
Xét về thời điểm, việc cơ quan quản lý hạ một loạt lãi suất điều hành vừa là động lực vừa là định hướng tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục.
Xét về bối cảnh, Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế quy mô lớn, việc NHNN hạ loạt lãi suất là phù hợp trong hoàn cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và gây suy thoái toàn cầu.
Theo ông Khoa, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay. Việc này cũng giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường đại học Fulbright Việt Nam đánh giá quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG TỪ ĐẦU NĂM 2020 | |||||||||||
Nguồn: NHNN | |||||||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | ||
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm | spline | % | 0.01 | 0.2 | 1.3 | 1.42 | 1.96 | 3.63 | 4.05 | 4.75 | 6.09 |
Cụ thể, trước tác động của dịch bệnh, phản ứng chính sách tiền tệ tại mỗi nước đều khác nhau nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chung là hệ thống tài chính lành mạnh.
Trong khi nhiều nước chọn cách bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế (Mỹ, châu Âu) thông qua mua nợ của doanh nghiệp - một hành động dễ gây lạm phát, thì Việt Nam có chính sách tiền tệ thận trọng hơn khi dòng tiền chủ yếu đưa ra gián tiếp qua giảm lãi suất.
Ông Thành cho rằng trong tình hình dịch bệnh, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng nhưng vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính nằm ở thanh khoản. Bằng việc giảm lãi suất điều hành, cơ quan quản lý đã duy trì trạng thái dồi dào cho thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó đảm bảo hệ thống tài chính an toàn tránh việc khủng hoảng kinh tế kéo theo một cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động mua ròng ngoại tệ từ đầu năm, NHNN cũng bơm hàng trăm nghìn tỷ ra nền kinh tế, bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Theo số liệu mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm 2019. Con số này tương đương NHNN đã bơm ròng trên 300.000 tỷ đồng ra thị trường. Việc Chính phủ kỳ vọng dự trữ ngoại hối đạt 100 tỷ USD vào cuối năm cũng đồng nghĩa với việc tiền VND sẽ tiếp tục được bơm ra thị trường từ nay đến cuối năm.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng Covid-19
Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng để đối phó với dịch Covid-19.
Tại cuộc họp của Thủ tướng với lãnh đạo các bộ diễn ra hồi tháng 4, đại diện NHNN, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết "các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm 40% lợi nhuận để góp phần giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ cho vấn đề hạ lãi suất".
Các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm 40% lợi nhuận để góp phần giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú
Đây chỉ là một trong những giải pháp được NHNN đưa ra để hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thống đốc NHNN đã ký ban thành Thông tư 01/2020 về cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, hoãn trả nợ gốc… với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thông tư này giúp các khoản nợ của doanh nghiệp không bị chuyển nhóm, không phát sinh nợ xấu và không ảnh hưởng tới các giao dịch tín dụng sau này của doanh nghiệp.
Theo số liệu từ NHNN, đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215.000 khách hàng với dư nợ 138.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ (lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2%). Cho vay mới với lãi suất ưu đãi ghi nhận doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 659.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp hồi tháng 5, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Dựa theo kết quả thực tế, kiến nghị của doanh nghiệp, Thống đốc cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch, ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế.
“NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Về vấn đề lãi suất, Thống đốc khẳng định đã có phương án điều hành phù hợp theo hướng giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở… Đồng thời yêu cầu các TCTD chung tay giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
"Chúng tôi yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các TCTD phải trực tiếp chỉ đạo. Đơn giản hoá thủ tục, xử lý nhanh kiến nghị của doanh nghiệp", Thống đốc cho biết.
Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu
Cùng với vấn đề tăng trưởng tín dụng, dịch Covid-19 cũng khiến hệ thống TCTD đối mặt với sự gia tăng của nợ xấu.
Dưới nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng, dấu ấn lớn nhất trong hoạt động xử lý nợ xấu chính là việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017. Đây được xem là nghị quyết có giá trị pháp lý quan trọng nhất khi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc của ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được giải quyết, khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.
TỶ LỆ NỢ XẤU NỘI BẢNG CÁC TCTD GIẢM NHANH | |||||||||||
Nguồn: NHNN | |||||||||||
Nhãn | Tháng 9/2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | Tháng 8/2020 | ||
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD | spline | % | 4.39 | 3.79 | 3.7 | 2.55 | 2.46 | 1.99 | 1.89 | 1.89 | 1.96 |
Cùng với Nghị quyết 42, NHNN cũng trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Quyết định số 1058 chú trọng tới đổi mới mô hình quản trị, điều hành, nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ...
Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đều đã được phê duyệt; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; các TCTD đạt đủ tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD được xử lý có hiệu quả.
Đặc biệt, chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD trong nước hiện đã tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.
Quan điểm của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Sau 3 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nợ xấu nội bảng các TCTD giảm liên tục qua từng năm. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giảm mạnh so với thời điểm trước khi nghị quyết có hiệu lực.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 361.200 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu tự xử lý là 307.906 tỷ (chiếm 85,26%).
Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình 7.150 tỷ đồng/tháng, cao gấp đôi so với mức trung bình tháng giai đoạn 2012-2017 (khoảng 3.520 tỷ/tháng).
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, số nợ xấu do khách hàng tự trả nợ là 121.400 tỷ (chiếm 40,1%), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu khách hàng tự trả/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình giai đoạn 2012-2017 khoảng 22,8%.
Ngoài việc giảm mặt bằng lãi suất, duy trì tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, ban hành các quy định cụ thể về cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bằng các chính sách điều hành, NHNN dưới nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng cũng kiểm soát được tình trạng lạm phát với tốc độ ổn định (trên dưới 3%/năm) và tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục (dự kiến đạt 100 tỷ USD cuối năm nay).
Suốt nhiệm kỳ nắm giữ vai trò cao nhất hệ thống ngân hàng, ông Lê Minh Hưng luôn nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, với những cá nhân, doanh nghiệp như ông Thuấn (khoảng 14,17 triệu người), mỗi lần NHNN hạ 0,5 điểm % lãi suất cho vay tối đa trong lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp nhỏ, người dân như ông có thể được giảm hơn 10.000 tỷ đồng lãi vay.
“Tôi không quan tâm nhiều đến chuyện vĩ mô hay điều hành chính sách. Chỉ cần mỗi năm qua đi, nhân viên ngân hàng đều thông báo rằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như chúng tôi là đủ”, ông Thuấn nói.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/ba-lan-ha-lai-suat-dieu-hanh-cua-thong-doc-le-minh-hung-a7431.html