Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Việc sử dụng tiền mặt đang giảm nhanh
Tiền giấy và tiền kim loại đã chịu “thương vong” rất rõ ràng bởi đại dịch Covid-19. Ngay cả ở Ấn Độ, nơi tiền mặt vẫn là vua, việc sử dụng ATM đã giảm khoảng một nửa trong tháng 4/2020. Theo khảo sát của Mastercard, kể từ khi đại dịch bắt đầu, gần một nửa (46%) người được hỏi ở châu Á - Thái Bình Dương nói rằng họ ít sử dụng tiền mặt hơn, một xu hướng đã được nhân rộng trên toàn thế giới.
Dịch Covid-19 chính là sự kiện kích hoạt việc đẩy nhanh một xu hướng vốn tưởng như không thể thay đổi, đó là sử dụng tiền mặt trong giao dịch thương mại. Năm 1985, tiền mặt được sử dụng cho 87% các khoản thanh toán ở Vương quốc Anh, nhưng đến năm 2019 tỷ lệ này chỉ còn 23%.
Hay ở các khu vực thành thị của Trung Quốc, việc sử dụng 2 dịch vụ thanh toán phổ biến nhất là Alipay và WeChat Pay đã tăng vọt từ trước khi virus tấn công.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, 98% người có điện thoại thông minh ở các thành phố đã sử dụng thiết bị của họ để thanh toán di động.
Thanh toán không dùng tiền mặt còn bị chi phối bởi thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ do các ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn phát hành, nhưng hiện có nhiều công nghệ “chen ngang” và thách thức sự thống trị của Visa và Mastercard với lần lượt 849 triệu và 767 triệu chủ thẻ trên toàn thế giới nếu một người mua sắm ở Thượng Hải có khả năng sử dụng WeChat, một thực khách ở Manila có thể trả tiền cho bữa ăn của mình bằng GCash hay một người ở New York có thể mua cà phê bằng cách vẫy đồng hồ Apple của mình vào đầu đọc thẻ.
Nhiều công nghệ trong số này không chỉ đơn giản là sao chép các giao dịch tại cửa hàng. Tại Hoa Kỳ, ứng dụng Venmo hoạt động giống như một ví điện tử cũng như một nguồn cung cấp tin tức mạng xã hội (social media feed), giúp việc chuyển tiền ngang hàng trở nên đơn giản - giống như khi chia hóa đơn nhà hàng với bạn bè.
Ứng dụng hiện có hơn 50 triệu tài khoản người dùng, với khối lượng thanh toán ròng là 31 tỷ USD chỉ trong quý đầu tiên của năm 2020.
Việc giảm sử dụng tiền mặt càng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến và sự sẵn sàng tin tưởng vào các thiết bị thông minh.
Trung Quốc hiện dẫn đầu doanh thu toàn cầu từ mua sắm trực tuyến với giá trị thị trường dự kiến lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2020, cao hơn nhiều so với tổng giá trị của 4 quốc gia tiếp theo cộng lại là Mỹ, Nhật Bản, Anh và Đức.
Trong khi đó, doanh số bán điện thoại thông minh tuy đã chững lại trong những năm gần đây, nhưng vẫn có hơn 3 tỷ người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Tính trên bình diện khu vực, châu Á dẫn đầu về số lượng người dùng điện thoại di động thông minh, còn tính theo quốc gia thì Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là các nước có nhiều điện thoại thông minh nhất, khi mỗi nước có hơn 100 triệu người dùng.
Liệu đây có phải là kết thúc cho tiền mặt?
Đối với bất kỳ ai sinh ra trong thế kỷ này, bất kể là làm gì, giao dịch tài chính hay các hoạt động khác, có vẻ như việc sử dụng điện thoại hoặc thẻ sẽ tự nhiên hơn so với một vật tương tự không thuận tiện và kém vệ sinh, chẳng hạn như hóa đơn hoặc đồng xu được nhét vào ví.
Chúng ta có nên lo lắng không? Cần phải nhấn mạnh rằng, bất kỳ xu hướng nào nếu chỉ là đặc quyền cho những cư dân thành phố giàu có và ảnh hưởng đến người nghèo, người già hoặc các nhóm người thiệt thòi khác đều phải là một điều đáng lo.
Mặc dù dữ liệu từ Trung Quốc dường như chỉ ra đây là quốc gia hoàn toàn chấp nhận tương lai kỹ thuật số, nhưng trên thực tế, 30% dân số của nước này không sở hữu điện thoại thông minh nên không thể sử dụng hầu hết các hình thức thanh toán điện tử.
Các nhóm đối tượng tương tự tồn tại ở tất cả các quốc gia, kể cả nước phát triển như Mỹ khi có tới 8,4 triệu hộ gia đình không có bất kỳ thể loại tài khoản ngân hàng nào trong năm 2017.
Một trong những nhóm “bị thiệt hại” nhất từ nền kinh tế không tiền mặt còn có thể kể tới là giới tội phạm.
Nhưng thật không may, việc chuyển sang thanh toán điện tử sẽ chỉ thay tội phạm truyền thống - những kẻ thường giấu tiền giấy mệnh giá cao dưới nệm, bằng loại tội phạm am hiểu kỹ thuật mới, những kẻ có thể xâm nhập vào tài khoản và rút tiền của nạn nhân.
Ở đây, điều đáng chú ý là tiền được giữ trong hầu hết các ứng dụng không được bảo hiểm bởi các cơ quan bảo hiểm như Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), hoặc được bảo vệ bởi những quy định ngân hàng.
Liệu đây có phải là kết thúc cho tiền mặt? Sau dịch, nhiều thói quen mới hình thành gần đây sẽ vẫn được duy trì, bao gồm cả thanh toán điện tử. Ngay cả nông dân, thường là những người chuộng tiền mặt, cũng dần bắt đầu chấp nhận thanh toán điện tử. Các sản phẩm Fintech mới sẽ được tung ra thị trường thường xuyên và những người nghèo sẽ sử dụng chúng nếu họ thấy được lợi thế của việc đó.
Hãy nghĩ về việc chuyển tiền: Những người giúp việc nhà ở Singapore và công nhân xây dựng ở Vịnh Ả Rập đã gửi tiền về nhà thông qua các ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại di động trong hơn một thập kỷ qua vì họ thấy sử dụng đơn giản và rẻ hơn so với các kênh chuyển tiền truyền thống thường tính phí cao.
Nếu tiền mặt đang bị đào thải thì sự ra đi của nó sẽ rất đáng kinh ngạc. Tại một số nước, bao gồm Phần Lan và Hàn Quốc, đã quay lưng lại với tiền giấy (hơn một nửa trong số 1.600 chi nhánh ngân hàng của Hàn Quốc không còn chấp nhận việc gửi hoặc rút tiền mặt).
Nhưng ở những quốc gia khác, nhiều khả năng đó sẽ là “một cái chết từ từ”, bởi vì lý do văn hóa, nhân khẩu học, kinh tế…, tiền mặt đã ăn sâu vào đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp.
Đơn cử, đối với những người nông dân ở Indonesia, những người bán hàng rong ở Campuchia hay những người đạp xe xích lô ở Bangladesh…, khái niệm sử dụng một ứng dụng thanh toán thay vì tiền mặt vẫn còn xa vời. Dẫu vậy, khái niệm thanh toán điện tử giờ đây cũng hợp lý hơn so với trước đại dịch.
Tiên tệ thế giới sẽ ra sao khi đồng nhân dân tệ kĩ thuật số ra đời? Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang ráo riết thử nghiệm đồng nhân dân tệ kĩ thuật số (DCEP) để ... |
Dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hẹp PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính chia sẻ, dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hẹp, bởi thực tế cho thấy ... |
Tỷ giá ổn định là nhờ đâu? KBSV dự báo tỷ giá USD/VND trong năm 2020 sẽ đi ngang nhờ nguồn cung USD dồi dào và xu hướng giảm giá của đồng ... |
Link nội dung: https://diendantieudung.net/tuong-lai-cua-tien-mat-a7568.html