Trong một chuyến đi đến đảo Seymour thuộc Nam Cực vào thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà cổ sinh vật học tại Đại học California, Riverside đã mang về và bảo quản một số hóa thạch, bao gồm xương bàn chân và xương hàm của hai loài chim thời tiền sử.
Trong nhiều thập kỷ, các hóa thạch này nằm tại Bảo tàng Đại học California, Berkeley cho đến khi một sinh viên sau đại học tên Peter Kloess chú ý đến chúng vào năm 2015.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports, Peter Kloess, người đã nghiên cứu các mẫu di chỉ từ năm 2015, xác định số hóa thạch nói trên thuộc về loài pelagornithids, lớp chim săn mồi có răng sắc nhọn và đã có mặt trên Trái Đất ít nhất 60 triệu năm trước.
Dựa trên các mẫu hóa thạch, nghiên cứu kết luận loài chim nói trên có kích thước lớn nhất từng được ghi nhận, với sải cánh lên đến 6,4 m.
Mẫu hóa thạch xương hàm được xác định là của chim pelagornithids. Ảnh: CNN. |
Kloess và các đồng sự cứu xác định rằng di chỉ xương hàm và xương bàn chân lưu giữ trong Bảo tàng Đại học California, Berkeley có niên đại lần lượt là 40 và 50 triệu năm. Điều này cho thấy loài chim cổ đại khổng lồ sinh sống trong kỷ Đại cổ sinh, thời kỳ hậu khủng long.
"Nghiên cứu dựa trên hóa thạch của chúng tôi, với ước tính sải cánh dài 5-6 mét, cho thấy các loài chim đã tiến hóa đến một kích thước vượt trội trong khoảng thời gian tương đối ngắn sau sự tuyệt chủng của khủng long và thống trị các đại dương trong hàng triệu năm", Kloess cho biết trong một thông cáo báo chí.
Theo nhóm nghiên cứu, con mồi của chim pelagornithids bao gồm cá, mực và các loại sinh vật biển khác. Lớp răng sắc nhọn và bộ hàm khỏe là công cụ săn mồi hữu ích của loài chim biển khổng lồ này.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/phat-hien-hoa-thach-loai-chim-lon-nhat-tung-duoc-ghi-nhan-a7702.html