Từ năm 2015, MB đã xác định năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của Việt Nam. Để chuẩn bị cho phát triển và tìm hiểu về ngành, MB đã phối hợp các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước thực hiện nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu để tìm hiểu về ngành, đồng thời cũng cử nhiều đoàn công tác ra nước ngoài để tìm hiểu sâu về lĩnh vực điện năng lượng tái tạo.
Sau thời gian nghiên cứu, MB xác định Việt Nam là nước có nhiều thuận lợi trong việc phát triển năng lượng tái tạo và MB đã xác định ngành năng lượng tái tạo là ngành tăng trưởng và ưu tiên cấp tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Từ năm 2017, MB đã thực hiện tiếp cận thẩm định rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực này và hiện MB trở thành ngân hàng tiên phong trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam cấp tín dụng cho điện gió, điện mặt trời. Ước tính sơ bộ, MB tài trợ tín dụng cho các dự án cung cấp khoảng 15% tổng quy mô công suất phát điện mặt trời; khoảng 12% công suất phát điện gió trên cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định cho vay MB cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như: Các dự án điện năng lượng tái tạo có thời gian vay vốn rất dài, từ 10-15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Việc này làm giảm quy mô vốn của ngân hàng có thể cấp tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo; Rủi ro về giải tỏa công suất và từ chối mua điện trên PPA làm cho ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án.
Ngoài ra, nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương, các doanh nghiệp triển khai dự án thường là doanh nghiệp mới được thành lập tại các địa phương nên năng lực tài chính chỉ có vốn tự có. Việc thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai và năng lực đầu tư của khách hàng là khó khăn; Các dự án năng lượng tái tạo được định nghĩa là dự án tài trợ chuyên biệt nên hệ số RWA được đánh giá ở mức 160% là mức khá cao và hạn chế nguồn vốn cấp tín dụng cho lĩnh vực này.
Cùng với đó, Nghị đinh 81/2020-NĐ-CP ra đời, các dự án năng lượng tái tạo cơ bản không phát hành được trái phiếu, do quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi nhu cầu vốn là liên tục.
Để hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho tín dụng xanh phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, đại diện MB đã đề xuất một số nội dung.
Trước hết, đối với Ngân hàng Nhà Nước, hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh. Xem xét loại trừ hoặc tính một phần của các khoản vay dài hạn cho các dự án tín dụng xanh vào các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Xem xét giảm tỷ lệ tính hệ số rủi ro RWA đối với các doanh nghiệp dự án từ 160% xuống còn 100%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà Nước cần có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để có chương trình tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều vào chương trình tín dụng xanh. Cùng với đó, cần ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng tái tạo hằng năm.
Đối với Bộ Công thương và EVN, cần xem lại hợp đồng mẫu, không đẩy rủi ro về doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất phát thiết kế, khi phát điện EVN phải mua hết công xuất phát, không để quyền từ chối mua điện trên các hợp đồng mẫu.
Bên cạnh đó, Bộ tài chính cần xem xét lại nghị định 81/2020-NĐ-CP, không giới hạn số đợt phát hành, thời gian giữa các đợt phát hành đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện trực tiếp vào dự án, các dự án điện gió phải thi công mất 2-3 năm nên việc giới hạn các đợt phát hành như nghị định 81/2020-NĐ-CP làm cho các chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
(*) Ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB
Link nội dung: https://diendantieudung.net/can-dong-von-cho-tin-dung-xanh-a7887.html