Thông cáo báo chí cuộc toạ đàm 'Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo'

Sáng 29/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo".

images1576707_161

 

Sáng 29/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo".

Toạ đàm có sự góp mặt của đại diện Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam... và các chuyên gia năng lượng, tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu cả trong và ngoài nước đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, Trưởng ban tổ chức Tọa đàm, với quan điểm mới và hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, Nghị quyết 55 ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận và kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thập kỷ tới, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trên thực tế từ vài năm trở lại đây, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê của Viện nghiên cứu của BIDV cho thấy, nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới đạt khoảng 303 MW thì năm 2020 ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW.

Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, các dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp không ít khó khăn vướng mắc.

Từ thực tiễn nói trên, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" nhằm tạo diễn đàn để đại diện các bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi, thảo luận nhằm góp phần hoàn thiện luật pháp, chính sách, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới năm 2045, cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 140 của Chính Phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Tại buổi toạ đàm, các nhà đầu tư đã bày tỏ băn khoăn về các khó khăn, vướng mắc và mong muốn sớm được tháo gỡ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE ông Hồ Tá Tín cho biết tỷ lệ dự án năng lượng tái tạo đến nay đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, “nói” lên được thực trạng triển khai dự án năng lượng tái tạo trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Hai nhóm vấn đề chính của các nhà đầu tư trình bày tại toạ đàm là (1) deadline áp dụng giá FIT điện gió vào ngày 1/11/2021 là không phù hợp với thực tiễn, chưa có cơ chế xử lý các dự án năng lượng tái tạo sau khi các thời hạn FIT kết thúc; (2) doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng cho vayvới lãi suất cao và yêu cầu vốn tự có lên tới 30-40%, xuất phát từ hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến năng lượng tái tạo bị đánh giá là lĩnh vực rủi ro. Cùng với đó, các TCTD nhìn chung chưa có nghiên cứu toàn diện và thấu đáo về lĩnh vực này.

Là một trong những tổ chức tín dụng tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, đại diện Ngân hàng MB cũng đã đưa ra một loạt vướng mắc, là các dự án năng lượng tái tạo có thời gian vay vốn rất dài nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Cùng với đó là rủi ro về giải toả công suất và quyền từ chối mua điện trên hợp đồng PPA làm ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án.

Ngoài ra, Nghị định 81 mới ra đời làm hẹp cửa huy động vốn qua kênh trái phiếu của các dự án năng lượng tái tạo. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị để phát triển bền vững năng lượng tái tạo cần hoàn thiện các vấn đề: Quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ; có sự phân hoá giá FIT giữa các địa phương, quy mô dự án; mô hình nhà đầu tư điện gió trực tiếp thuê đất từ nông dân; cơ chế thực hiện đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo.

Về phần mình, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 đang được Bộ Công Thương triển khai xây dựng và cơ bản đã hoàn thành Dự thảo lần 1.

Trong Đề án lần này, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng sẵn có là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương tập trung triển khai, nghiên cứu những giải pháp thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Bộ Công Thương trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm để sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với chất lượng tốt nhất, đồng thời có cơ sở thực tế để tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách ngày càng hợp lý và hoàn thiện hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục cất cánh trong tương lai.

Link nội dung: https://diendantieudung.net/thong-cao-bao-chi-cuoc-toa-dam-gop-y-co-che-chinh-sach-phat-trien-nang-luong-tai-tao-a7897.html