Ngày 02/10/2020, Chính phủ có Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong Nghị quyết số 140/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cơ chế đấu thầu nhằm xóa bỏ rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (hiện hành) và Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) đều có quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư như sau: Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện nhất định.
Theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp được quy định như sau: Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây: Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Luật này; Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này; Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức: Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp trên.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
Cũng theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp như sau: Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Trường hợp dự án năng lượng tái tạo đầu tư theo phương thức PPP, Luật đầu tư theo phương thức PPP có quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án PPP như sau:
Trường hợp doanh nghiệp dự án PPP do nhà đầu tư liên danh thành lập, các thành viên có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhau nhưng phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên theo quy định.
Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Việc chuyển nhượng phải đáp ứng các yêu cầu: Không được làm thay đổi việc thực hiện hợp đồng dự án PPP đã ký kết; Tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan; Được cơ quan ký kết hợp đồng chấp thuận; Có sự thỏa thuận của bên cho vay và các thành viên trong liên danh trong trường hợp là nhà đầu tư liên danh.
Bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng các yêu cầu: Không bị hạn chế quyền được nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; Có năng lực tài chính, quản trị để thực hiện hợp đồng dự án PPP và các hợp đồng có liên quan; Cam kết tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng theo quy định tại hợp đồng dự án PPP và các hợp đồng có liên quan.
Trường hợp chuyển nhượng làm thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp dự án PPP phải thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về doanh nghiệp.
Khuyến khích đầu tư dự án năng lượng tái tạo theo hình thức PPP
Hiện nay, ngành điện có 21 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với tổng công suất khoảng 27.000 MW, bao gồm: 4 dự án đã hoàn thành là Phú Mỹ 2-2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2, Vĩnh Tân 1; 4 dự án đang xây dựng là Hải Dương, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1; 4 dự án đang hoàn thiện Hợp đồng BOT: Vũng Áng 2, Nam Định 1, Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2; 2 dự án đang triển khai đàm phán Hợp đồng BOT là Nhiệt điện than Quảng Trị 1, Dung Quất 2; 4 dự án chưa đàm phán Hợp đồng BOT: Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Quỳnh Lập 2, Nhiệt điện khí Quảng Trị; 3 dự án đã và đang giải quyết các vấn đề pháp lý là Long Phú 2, Vũng Áng 3, Kiên Lương 1.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện đến năm 2030 khoảng 129.500 MW. Như vậy, chưa xét tới 03 dự án BOT đã và đang giải quyết vấn đề pháp lý thì sẽ có 18 dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT có tiến độ vận hành trước 2030 với tổng công suất khoảng 23.000 MW, đóng góp khoảng 18% tổng công suất hệ thống điện.
Nghị quyết số 55-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ “khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.
Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) số 64/2020/QH14, có hiệu lực từ 01/01/2021. Như vậy, đầu tư PPP đã được quy định theo hình thức VBQPPL cao nhất là luật so với trước đây chỉ quy định bởi nghị định.
Theo Luật PPP, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP có “Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực”.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP. Dự thảo Nghị định đang được lấy ý các Bộ ngành và địa phương, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi. Nhà máy điện và lưới điện được quy định rõ hơn gồm: Nhiệt điện; Năng lượng tái tạo (Điện gió; Điện mặt trời…); Điện khí và LNG; Lưới điện truyền tải để đấu nối giữa nhà máy điện với hệ thống điện quốc gia.
Luật PPP có những quy định về ưu đãi và bảo đảm đầu tư: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư; Bảo đảm về quyền tiếp cận đất, quyền sử dụng đất và tài sản công; Bảo đảm cung cấp dịch vụ công; Bảo đảm quyền thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về con người, tài sản của doanh nghiệp dự án PPP, nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP; Bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với dự án PPP quan trọng; Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
So với Nghị định số 63/2018/NĐ-CP cũng như các nghị định trước đây, ưu đãi và đảm bảo đầu tư quy định trong Luật PPP có những thay đổi nhất định nên việc đầu tư PPP vào ngành điện theo Luật PPP mới sẽ phải có những thay đổi để phù hợp nhằm phát huy có hiệu quả mô hình đầu tư PPP ngành điện.
Ngoài ra, Luật PPP có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ là “Thực hiện quản lý, hướng dẫn về đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực, phạm vi quản lý” nên Bộ Công Thương có thể hướng dẫn cụ thể hơn về đầu tư các dự án năng lượng theo phương thức PPP sau khi Chính phủ có Nghị định.
(*) Ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Link nội dung: https://diendantieudung.net/co-so-phap-ly-de-dau-tu-theo-hinh-thuc-ma-doi-voi-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-a7902.html