Cựu Đại sứ Michael Michalak: 'Doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đến Việt Nam dù ai đắc cử'

Cựu Đại sứ Michael Michalak nói với Zing mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù ông Donald Trump tái đắc cử hay ông Joe Biden vào Nhà Trắng.

Cover_2

 

Gần 4 năm làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam - từ năm 2007 đến năm 2011 - là quãng thời gian đáng nhớ với ông Michael Michalak. Vị cựu đại sứ Mỹ giờ giữ chức vụ phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành khu vực tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Zing, cựu Đại sứ Michalak chia sẻ Việt Nam là đất nước mà ông dành nhiều tình cảm.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đến giai đoạn nước rút, ông Michalak nhận định mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ dù ai đắc cử. Theo ông, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ kéo dài và Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi.

Sub_1_1

 

- Sau khi rời Việt Nam, điều gì ở đất nước này khiến ông nhớ nhất?

- Ồ, đó là bún chả. Bún chả là một trong những món ăn mà tôi yêu thích nhất khi ở Việt Nam. Chà, tôi nhớ nhiều thứ lắm. Tôi thích cùng bạn bè đi dạo quanh Hồ Tây, trò chuyện với mọi người, ăn uống tại các nhà hàng xung quanh Hồ Tây và thăm khu phố cổ.

Tôi có tình cảm đặc biệt với Hàng Gai, nhiều bạn bè tôi ở đó. Họ bán lụa tơ tằm và nhiều sản phẩm từ lụa rất đẹp. Tôi còn có nhiều kỷ niệm với các bạn bè Việt Nam và rất nhớ họ.

- Còn với tư cách là một doanh nhân Mỹ, ông sẽ thích Việt Nam ở điểm gì nhất?

- Xét trên một phương diện nào đó, tôi cũng là một doanh nhân và thích mọi thứ của Việt Nam. Đất nước các bạn có rất nhiều cơ hội. Nhiều người muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, họ sẵn sàng ngồi xuống và bàn về những hoạt động kinh doanh mới.

Các doanh nhân Mỹ có thể tận dụng nhiều từ những chương trình của chính phủ Việt Nam. Môi trường kinh doanh tại đây cũng rất sôi động và nó giúp ích cho công việc kinh doanh.

Quote_1

 

- Ông có thể nói rõ hơn về sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Mỹ không, thưa ông?

- Tôi cho rằng điểm mạnh chính của Việt Nam là các bạn rất cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài sẽ hưởng lợi từ một chính phủ thân thiện. Họ cũng nhận được một số ưu đãi khi đến đây.

Không chỉ thế, Việt Nam còn có một lực lượng lao động trẻ và học hỏi rất nhanh. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ của các bạn. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghệ cao có thể được thực hiện tại Việt Nam.

Với tất cả lý do trên, Việt Nam là một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn. Tuy nhiên, điều các bạn nên chú ý là kinh tế kỹ thuật số. Các quốc gia trong khu vực ASEAN đang cố gắng đưa nền kinh tế trở thành nền kinh tế thân thiện với kỹ thuật số. Tôi cho rằng Việt Nam đang tụt lại một chút trong cuộc đua đó.

Điều các bạn cần làm là xem xét lại một số chính sách đối với kỹ thuật số, trả lời câu hỏi: "Liệu những chính sách này có thực sự thân thiện với doanh nghiệp hay không?", "Liệu điều đó có cho phép mạng lưới Internet hoạt động tốt tại Việt Nam hơn hay không?".

Cuộc đua kỹ thuật số đang cực kỳ gay cấn và tôi biết rằng Việt Nam rất cạnh tranh. Vì vậy, các bạn nên theo dõi tình hình và đánh giá về chính sách hiện tại của Việt Nam và những quốc gia khác.

Sub_2

 

- Theo ông, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chính sách kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam?

- Chà, khó mà nhận định vào thời điểm này nhưng tôi tin điều đó rất đáng trông chờ. Từ góc nhìn của bản thân tôi, chính quyền hiện tại của Mỹ quá chú trọng vào vấn đề thâm hụt thương mại. Tôi cho rằng không nên quá tập trung đến vấn đề trên.

Theo tôi, chính quyền mới của Mỹ nên bớt chú trọng đến vấn đề thâm hụt thương mại. Thay vào đó, họ cần nhìn vào hệ thống quản lý, lĩnh vực dịch vụ, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và nhiều vấn đề khác của Mỹ. Nếu vậy, chúng ta sẽ chứng kiến ít thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu hơn.

- Ông dự đoán ra sao về làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sau cuộc bầu cử tháng 11 tới?

- Tôi cho rằng chính quyền mới của Mỹ có thể không tiếp tục áp nhiều thuế như hiện tại. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tới các nước khác tại châu Á. Điều này sẽ không thay đổi.

Các doanh nghiệp đã dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngay cả trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia các doanh nghiệp Mỹ hướng đến. Tôi tin rằng đất nước các bạn sẽ tiếp tục đón thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Có một vấn đề mà tôi không chắc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu. Đó là nếu Trung Quốc không xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì một quốc gia khác sẽ làm việc đó. Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng vì hàng hóa Trung Quốc ít đi. Điều này đồng nghĩa với thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn. Và Việt Nam hưởng lợi khi tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn.

Quote_2

 

- Theo ông, Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh gì so với các nước khác trong khu vực?

- Thế mạnh cạnh tranh phụ thuộc vào những quy tắc và quy định. Như tôi đã nói, Việt Nam đang làm tốt việc đó, chính phủ rất cởi mở với doanh nghiệp nước ngoài. Các bạn cũng kiểm soát dịch Covid-19 thành công và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp quốc tế.

Tuy nhiên, để gia tăng sức mạnh cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cần nhìn vào nền kinh tế kỹ thuật số và xem xét chính sách an ninh mạng, chính sách bảo mật cá nhân và nhiều chính sách liên quan đến Internet khác. Các bạn đã làm rất tốt nhưng vẫn có thể làm tốt hơn. Và nền kinh tế kỹ thuật số là chìa khóa.

- Vậy Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh thu hút làn sóng FDI chất lượng?

- Tôi cho rằng điều mà Việt Nam nên cải thiện thêm là hệ thống giáo dục. Việc nâng cao năng lực giáo dục là rất quan trọng để phát triển kinh tế. Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động thông minh và ham học hỏi, nhưng không bao giờ là đủ đối với giáo dục. Các bạn vẫn có thể học nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng việc nâng cao khả năng tiếng Anh là rất quan trọng. Vì tiếng Anh ngày nay là ngôn ngữ kinh doanh. Ngoài giáo dục, Việt Nam nên đưa ra các chính sách cho phép Internet miễn phí và cởi mở nhất có thể. Tôi tin rằng Việt Nam biết họ cần phải làm gì. Các bạn chỉ đang tìm cách để thực hiện điều đó.

Sub_3

 

Quote_3_1

 

- Ông dự đoán như thế nào về mối quan hệ tương lai giữa Việt Nam và Mỹ?

- Suốt gần 15 năm kể từ khi làm đại sứ tại Việt Nam, tôi chứng kiến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng đi lên và sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Tôi tin rằng mối quan hệ này sẽ chỉ đi lên và đi lên.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng luôn cố gắng thúc đẩy mối quan hệ lâu dài với những đối tác kinh doanh như Việt Nam để đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

- Ông Joe Biden hứa hẹn đẩy mạnh mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh nếu đắc cử. Theo ông, liệu chính quyền ông Biden có khả năng tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?

- Đó là một câu hỏi khó. Tôi tin chắc rằng nếu ông Biden giành chiến thắng, điều đầu tiên mà ông ấy làm là xem xét và đánh giá lại toàn bộ chính sách kinh tế của Mỹ và thực hiện một số thay đổi.

Một trong những thay đổi mà ông Biden đang cố gắng thực hiện là kết hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh, trong đó có khu vực ASEAN. Điều này sẽ giúp ích cho khu vực. Chính quyền Tổng thống Trump đã không hợp tác nhiều với đồng minh. Từ góc nhìn của tôi, ông Trump cũng không đủ quan tâm đến khu vực ASEAN.

Một trong những cách mà ông Biden chọn có thể làm tham gia lại CPTPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng CPTPP cũng cần một số thay đổi. Nó đã có từ nhiều năm và cần phải điều chỉnh theo công nghệ mới cũng như nền kinh tế kỹ thuật số mới.

Nếu đắc cử, ông Biden sẽ mở rộng mối quan hệ với các đồng minh, trong đó bao gồm vấn đề giao thương. Nhưng quốc gia nào sẽ nằm trong khu vực thương mại tự do? Đó là câu hỏi mà tôi cho rằng chúng ta đều cần chờ xem.

Bởi ứng viên đảng Dân chủ từng lập luận về sự cần thiết của đầu tư trong nước trước khi thực hiện các giao dịch thương mại lớn khác. Ông Biden cũng muốn đưa các chuỗi cung ứng quan trọng trở lại Mỹ.

Quote_4

 

- Ông đề cập nhiều đến kỹ thuật số trong quá trình phát triển kinh tế. Vậy theo ông, chiến thắng của ông Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực công nghệ của châu Á?

- Đó là một câu hỏi hay. Theo tôi, một điều chắc chắn xảy ra là các công ty Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với những quốc gia mà họ tin tưởng. Các chính sách của ông Biden có thể tập trung vào quy tắc và quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và an ninh mạng để bảo vệ công nghệ.

Tôi tin rằng ông ấy sẽ kết hợp với các đồng minh để làm được điều đó, tạo ra một hệ thống phát triển công nghệ quốc tế minh bạch và lành mạnh hơn. Nhiều quốc gia sẽ tham gia vào hệ thống này, tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng như vậy.

- Ông có thể chia sẻ dự đoán của mình về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới không, thưa ông?

- Tôi chưa thể nói gì vào lúc này nhưng các cuộc thăm dò đang nghiêng về chiến thắng của ông Biden. Và tôi cũng mong như vậy.

- Ông sẽ quay trở lại thăm Việt Nam trong tương lai chứ, thưa ông?

- Việt Nam là một đất nước mà tôi rất yêu quý. Nhưng dịch Covid-19 khiến tôi không thể thăm Việt Nam. Chắc chắn tôi sẽ làm điều đó khi có thể, có thể là năm sau.

(Theo Zing)

Link nội dung: https://diendantieudung.net/cuu-dai-su-michael-michalak-doanh-nghiep-my-se-tiep-tuc-den-viet-nam-du-ai-dac-cu-a8087.html