Phiên giao dịch ngày 3/11/2020: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 3/11/2020, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCI

ACB - Tiếp tục ghi nhận dự phòng thấp cho các khoản nợ

Phân tích:

Chi phí dự phòng giảm 63,1% so với quí trước đó, đi ngược lại xu hướng tăng của tỉ lệ nợ xấu trong quí III/2020.

Tỉ nợ xấu tăng 17 điểm cơ bản so với cùng kì (tăng 16 điểm cơ bản so với quí trước đó) đạt 0,84% trong quí III/2020. Trong khi chi phí dự phòng giảm quí III/2020 so với quí trước, dẫn đến mức giảm 23 điểm % trong tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 117,5%.

Nhìn vào khoản mục dự phòng cụ thể trong 9 tháng 2020, ACB chỉ dự phòng 0,05% số dự khoản vay gộp cho các tài khoản dự phòng cụ thể (khoản chi phí dự phòng được dự phòng trực tiếp cho khoản vay khách hàng) trong 9 tháng 2020 – khác biệt đáng kể so với VCB là 0,96%, VIB 0,33% và TPB 0,9% trong cùng kì.

Các khác biệt trong dự phòng một phần đến từ tỉ lệ xử lí nợ chỉ đạt 0,01% dư nợ vay gộp trong 9 tháng 2020 so với 9 tháng 2019.

Ngoài ra, ngân hàng có thể tiếp tục hoàn nhập dự phòng trong 9 tháng 2020, phần nào ảnh hưởng đến tính toán chi phí dự phòng cụ thể ở trên. Chi phí dự phòng đạt 694 tỉ đồng (tăng 328,6% so với cùng kì).

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

GTN - Ghi nhận tăng trưởng mạnh

Phân tích:

GTN công bố KQKD quí III/2020 với doanh thu đạt 780 tỉ đồng, giảm 6,6% so với cùng kì. Doanh thu của GTN trong quí III/2020 chủ yếu là doanh thu của mảng sữa – Mộc Châu Milk, mảng này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tăng 13,6% so với cùng kì, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

LNST của GTN đạt 87 tỉ đồng, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 33 tỉ đồng so với chỉ 1,2 tỉ đồng của cùng kì 2019.

Việc tăng tỉ lệ sở hữu tại Mộc Châu Milk sẽ giúp GTN tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi 1.076 tỉ đồng trên BCTC riêng lẻ quí III/2020 bên cạnh việc tỉ lệ lợi ích tăng lên trên 51% giúp cải thiện LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ.

Kế hoạch đầu tư 1.600 tỉ đồng của Mộc Châu Milk cho việc nâng cấp trang trại, tăng số lượng đàn bò và xây dựng nhà máy mới sẽ giúp cho công ty duy trì được mức tăng trưởng doanh thu từ 7 - 10%/năm trong giai đoạn 2021 – 2024.

Ngoài ra, các biện pháp cải thiện hiệu quả hoạt động mà VNM áp dụng đã giúp cho tỉ suất lãi gộp của Mộc Châu Milk được cải thiện mạnh, do đó tỉ suất lãi gộp của Mộc Châu Milk sẽ sớm đạt mức xấp xỉ 40% trong năm 2021.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV - BSC

FIR - Tăng giá

Điểm nhấn kĩ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Xuất hiện Golden Cross.

- Chỉ báo RSI: Tăng dần trên giá trị 50 và chưa đi vào vùng quá mua.

- Đường MA: EMA12 ở trên EMA26.

Phân tích:

FIR vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá từ đầu tháng 8 đến nay với xuất phát điểm từ vùng hỗ trợ xung quanh 22. Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây duy trì giá trị ổn định.

Các chỉ báo kĩ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể tiếp tục đà tăng trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FIR nằm tại xung quanh giá 24.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 40.030 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 40.030 đồng nhờ (i) bù đắp doanh thu từ thị trường châu Âu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, và (ii) mảng kinh doanh collagen và gelatin duy trì tăng trưởng tốt. Mức giá mục tiêu được xác định theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng trước tác động của dịch bệnh Covid19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là cá tra giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, Trung Quốc, EU). Lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ ngưng trệ, tiêu thụ các loài thủy sản chính cho phân khúc này giảm khiến giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới.

Chúng tôi cho rằng sức tiêu thụ cá tra trong thời gian tới vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu kiểm soát tốt tại các quốc gia trên thế giới.

Hoạt động kết quả kinh doanh quý III/2020 chứng kiến hồi phục nhẹ so với 2 quý đầu năm. Trong quý III/2020 VHC ghi nhận 1.800 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu cá tra fillet giảm 10,2% nhưng đã tăng 7,9% so với quý trước. Giá bán tiếp tục giảm khoảng 17% so với cùng kỳ và 12% so với quý trước trong khi sản lượng tiêu thụ tăng 8% cùng kỳ và 24% so với quý trước.

Doanh thu phụ phẩm tăng 55% so với cùng kỳ và 23% so với quý trước nhờ nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi trong tháng 9. Trong khi đó, doanh thu collagen và gelatin mặc dù tăng 20% so với cùng kỳ nhưng giảm 23% so với quý trước xuống còn 132 tỷ đồng do một số đơn hàng trong tháng 9 bị hoãn sang tháng 10.

Xét về thị trường tiêu thụ, châu Âu vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực do các sản phẩm được bán tiêu thụ qua kênh siêu thị. Trong quý III, doanh thu từ thị trường này tăng 35% so với cùng kỳ lên 297 tỷ đồng, nhưng đã giảm 29% so với quý trước. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 8,3% so với cùng kỳ còn Trung Quốc giảm 6,4%.

Biên lợi nhuận gộp giảm còn 12,7% từ mức 19,7% trong quý III/2019 và 19,6% trong quý II/2020 khi (i) giá cá tra giảm mạnh, và (ii) công ty ghi nhận 70 tỷ đồng giá vốn hàng bán do dự phóng hàng tồn kho giảm giá. Nếu không bao gồm khoản dự phòng này, biên lợi nhuận gộp trong quý III đạt 16,6%.

Tăng dự phòng khiến lợi nhuận thuần trong kỳ giảm 30% so với cùng kỳ còn 175 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng 2020, doanh thu thuần đạt 5.093 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ trong khi đó lợi nhuận ròng giảm 43,8%, đạt tương ứng 552 tỷ đồng. Nếu loại bỏ khoản thu nhập bất thường sau khi bán cổ phần tại Vạn Đức Tiền Giang trong quý II/2019, lãi ròng 9 tháng 2020 giảm khoảng 39% so với cùng kỳ.

Chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2020 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp do điều kiện thời tiết bất lợi, kéo theo nhu cầu suy yếu của cá tra trên thị trường cùng với mức giá bán giảm khi lượng tồn kho cá tra đang ở mức cao.

Lợi nhuận ước tính giảm mạnh khoảng 40% còn 706 tỷ đồng trong bối cảnh giá cá nguyên liệu vẫn duy trì ở mức thấp. Biên EBIT ước tính khoảng giảm từ 17,4% trong năm 2019 xuống còn khoảng 12,0% trong năm 2020.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nhận định chứng khoán ngày 3/11/2020: Áp lực điều chỉnh có thể gia tăng

Thị trường hồi phục trong phiên đầu tuần 02/11 nhưng với thanh khoản tiếp tục suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên ...

Giao dịch khối ngoại ngày 2/11: Bán ròng hơn 500 tỷ đồng

Kết phiên giao dịch ngày 2/11/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 13,83 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 509,61 tỷ đồng, giảm 13,89% ...

Chứng khoán phiên chiều ngày 2/11: Dòng tiền suy yếu, VN-Index tăng hơn 8 điểm

Phiên giao dịch chiều diễn ra khá tích cực, đặc biệt từ sau 14h với sự bứt phá mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa ...

Link nội dung: https://diendantieudung.net/phien-giao-dich-ngay-3-11-2020-nhung-co-phieu-can-luu-y-a8476.html