Ảnh internet |
Đó là chia sẻ của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
“Song chúng ta vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa, tiếp thu sâu sắc hơn nữa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri để có một đạo luật tốt nhất đi vào cuộc sống”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Tham gia góp ý về đánh giá tác động môi trường và về giấy phép môi trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, khoản “được” của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này là Bộ Tài nguyên và Môi trường và ban thẩm tra đã có tiếp thu khi đề xuất không phải tất cả dự án đều phải đánh giá tác động môi trường, mà chia rạch ròi những dự án cần phải đánh giá tác động của môi trường.
“Thực tế ở nhiều địa phương, có một số chủ đầu tư cấp huyện, cấp xã chỉ cần xây dựng trường học mà suốt ngày phải đánh giá tác động môi trường. Tôi thống nhất theo dự thảo là tùy theo từng dự án được phân cấp mà chúng ta đánh giá tác động môi trường và có giấy phép bảo vệ môi trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm, chỉ nên đánh giá những dự án có nguy cơ về môi trường, còn những dự án xác định không có nguy cơ về môi trường thì không đánh giá tác động để giảm được giấy phép con cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, những dự án không phải đánh giá tác động môi trường và giấy phép bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp phải bảo đảm rằng thật sự không ảnh hưởng đến môi trường. “Nếu sau này ảnh hưởng đến môi trường sẽ thanh tra, kiểm tra xử lý và rút giấy phép hoạt động của dự án đó”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Mong muốn cuộc cách mạng trong bảo vệ môi trường
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội), nhiều đại biểu Quốc hội đều mong muốn những vấn đề tốt đẹp cho môi trường, địa phương và cuộc sống nói chung. Nếu Luật được thông qua và thi hành sẽ tạo ra một cuộc cách mạng.
“Hai vấn đề cách mạng ở đây là “mua sắm xanh” và “phân loại rác tại nguồn”. Trong đó, vấn đề “mua sắm xanh” phải được lồng ghép vào nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực về sau”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, vấn đề phân loại rác thải từ nguồn lâu nay đã được đề cập đến nhiều, nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, việc thông qua Luật tạo cơ chế để triển khai, góp phần phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Tôi cho rằng, nếu Luật được thông qua nên có những hướng dẫn cụ thể cho từng khu vực dân cư trong việc triển khai phân loại rác tại nguồn. Chẳng hạn như nên có tính toán ở những khu vực chật chội ở đô thị, hay trong những điều kiện ở nông thôn có thể dùng rác thải làm phân vi sinh…", đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến.
Tại hội thảo “Những nội dung quan trọng trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)" do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, từ lúc Dự thảo Luật đầu tiên gửi đến các đại biểu Quốc hội, với những đóng góp từ các đại biểu Quốc hội gắn với thực tiễn địa phương, đến nay Dự thảo Luật đã có những đột phá mang tính cách mạng, vừa phù hợp với những xu thế chung của thế giới, vừa giữ nguyên lời hứa với cử tri, với người dân là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Với những diễn biến thời tiết cực đoan như trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) khi thông qua sẽ không chỉ bảo đảm đồng hành với sự phát triển kinh tế, mà còn nhấn mạnh vai trò cân bằng hệ sinh thái tự nhiên thông qua những điều khoản được đặt ra trong luật, đồng thời sẽ thay đổi nhiều những mô hình phát triển phù hợp với xu thế mới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe và sẵn sàng hoàn thiện dự thảo để cùng nhau thống nhất các mục tiêu chung, nguyên lý chung dựa trên sự đóng góp trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
Thùy Chi
Link nội dung: https://diendantieudung.net/luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-khong-danh-doi-moi-truong-lay-kinh-te-a8925.html