Quyết liệt giải ngân đầu tư công
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.
Tại Quảng Ninh, Hội đồng nhân dân tỉnh vừa tổ chức Kỳ họp để thông qua một số Nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế; trong đó có việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các nguồn vốn, các biện pháp điều hành ngân sách năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất chậm, thậm chí có những công trình, dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/9 phải giải ngân đạt 100% nguồn vốn.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh được giao giải ngân trên 10.650 tỉ đồng, chiếm trên 65,7% tổng nguồn vốn kế hoạch chi đầu tư công năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh được giao gần 3.000 tỉ đồng; còn lại là ngân sách Trung ương, cấp huyện, xã.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, việc giải ngân chưa đảm bảo theo kế hoạch. Đến ngày 26/8, vốn theo kế hoạch Chính phủ giao đạt 94,3%, tuy nhiên tỉ lệ giải ngân chung toàn tỉnh mới đạt 65%; trong đó, một số dự án có tỉ lệ giải ngân rất thấp. Cụ thể, có 10 dự án giải ngân đạt 0%; 6 dự án giải ngân dưới 10%; 22 dự án giải ngân đạt từ 10-50%.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hơn 749 tỉ đồng; điều hòa giảm kế hoạch vốn các chương trình, dự án được bố trí từ nguồn thu tiền đấu giá đất với tổng số hơn 1.000 tỉ đồng; điều hòa giảm kế hoạch vốn các chương trình, dự án do hụt nguồn thu bán tài sản công là cầu dẫn, vùng quay xe thuộc dự án cầu dẫn, bến du thuyền cảng khách quốc tế Hòn Gai.
Mặt khác, tỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn với số vốn 159 tỉ đồng; cắt giảm 40 dự án với số tiền hơn 397 tỉ đồng; điều hòa 9 dự án kéo dài với số tiền hơn 390 tỉ đồng…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, các địa phương phải cam kết trước Hội đồng nhân dân tỉnh, nếu trước 30/9 không giải ngân được vốn đầu tư công phải chịu trách nhiệm.
Tỉnh ủy Cao Bằng cũng vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về đánh giá tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách năm 2020. Tại đây, Bí thư Tỉnh Cao Bằng Lại Xuân Môn đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm, quyết liệt, đổi mới cách làm để hoàn thành các chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách trong những tháng cuối năm.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, năm 2020, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng là trên 4.165 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/8/2020, giải ngân vốn đầu tư đạt 45,8% kế hoạch, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các sở, ngành, địa phương cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trong tâm từ nay đến hết năm 2020; xác định rõ các tồn tại, yếu kém trong các khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức dự án đầu tư. Đồng thời, các đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công như thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn đề nghị các sở, ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt đổi mới sáng tạo, tạo ra những cách làm mới để hoàn thành các chỉ tiêu về thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Trong giải ngân vốn đầu tư công, các sở ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm với các nhà thầu, rà soát năng lực các nhà thầu để đảm bảo tiến độ chất lượng. Đối với thu ngân sách, các đơn vị cần khai thác hiệu quả các nguồn thu, nhất là nguồn thu từ tiền sử dụng đất; thu phí cửa khẩu…
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,9%, Tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ để khơi thông và tăng nguồn thu ngân sách. Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch Covid-19; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại và đầu tư. Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản...
Tại Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh từ nay đến cuối năm tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, không chi những nhiệm vụ chưa cần thiết; chú trọng các giải pháp chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm của Trung ương, của tỉnh đề ra.
Thái Nguyên cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh điều chỉnh cắt giảm vốn đối với dự án chậm triển khai để bổ sung vốn cho các dự án đã giải ngân hết kế hoạch vốn hoặc bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); thực hiện tốt xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án, công trình trọng điểm...
Hiện nguồn vốn đầu tư công năm 2020 của Thái Nguyên đã giải ngân đến hết tháng 8 đạt hơn 2.245 tỉ đồng, bằng 44,6% kế hoạch vốn; trong đó, một số nguồn vốn có tỉ lệ giải ngân thấp như: nguồn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chỉ đạt 34,7%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 41,1%; vốn trái phiếu Chính phủ 18.100 tỉ đồng chưa thực hiện giải ngân do đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án...
Tại Cà Mau, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân các dự án đầu tư theo danh mục được Chủ tịch UBND tỉnh phân công theo dõi, đôn đốc đạt khá so với tỉ lệ chung của tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh chỉ mới đạt 54,6%, trong khi mục tiêu đề ra 65%. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị hồ sơ, thủ tục.
Để chấn chỉnh vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan với tinh thần quyết tâm cao, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp giải ngân hết kế hoạch vốn.
UBND tỉnh giao Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổng hợp, lập danh sách phân loại dự án theo các nhóm vướng mắc khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục. Đối với nhóm dự án vướng mắc khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thì các chủ đầu tư cần phải xác định cụ thể khối lượng không thể thực hiện được do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của từng dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, những dự án kể trên cần có chế độ kiểm soát đặc biệt, nên yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tích cực, chủ động tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Riêng các phương án bồi thường đã làm giá đất đúng quy định, đã tính toán bồi thường theo hướng có lợi nhất cho người dân, nhưng người dân vẫn không hợp tác thì cần phải củng cố hồ sơ chặt chẽ để khi cần thiết tiến hành các biện pháp hành chính theo đúng quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính rà soát, tiếp tục rút ngắn thời gian thẩm định giá đất cụ thể xuống còn không quá 10 ngày. Văn phòng UBND tỉnh xử lý khẩn trương, tổ chức xin ý kiến thành viên UBND tỉnh trong thời gian từ 3 - 5 ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các đơn vị tư vấn làm giá đất, ban hành văn bản chỉ đạo rút ngắn thời gian tham gia của cấp huyện, cấp xã đối với phương án giá không quá 5 ngày. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất và rà soát, báo cáo cụ thể các trường hợp hồ sơ giá đất thực hiện chậm.
Trước đó, tại Hội nghị kiểm điểm công tác điều hành chỉ đạo tình hình phát triển kinh tế - xã hội do UBND tỉnh tổ chức ngày 3/9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Thu Hà
Link nội dung: https://diendantieudung.net/quyet-liet-giai-ngan-dau-tu-cong-a9093.html