Muốn giảm giá nhà phải tăng nguồn cung
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, bất động sản là một thị trường và giá do thị trường quyết định, để giảm giá thì phải tăng cung, trong đó, để tăng số lượng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì phải có chính sách, đảm bảo nguồn cung cho đại đa số.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỉ đồng (khoảng 35 triệu đồng/m2) cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng.
Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỉ đồng trở xuống (25- 30 triệu đồng/m 2 ) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua.
Còn theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội, 9 tháng qua, có gần 8.000 sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường. Trong đó, các căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng có tỉ lệ hấp thụ tương đối tốt.
Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Nhiều dự án có nhu cầu thu hồi vốn đưa ra các giải pháp khuyến mại, hỗ trợ tiền vay, nhưng giá hầu như không biến động nhiều ở cả 3 phân khúc.
Cung ít giá sẽ tăng cao
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nguồn cung khan hiếm, sự lựa chọn của người mua không nhiều sẽ khiến giá bất động sản tăng lên.
Từng trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, chắc chắn người mua nhà sẽ ít sự lựa chọn khi hạn chế sản phẩm mới bung thị trường. Mà nguyên lý của thị trường, cầu nhiều - cung ít thì giá cả sẽ tăng cao.
Những năm gần đây, thị trường thiếu sản phẩm giá vừa túi tiền 1-2 tỉ đồng/căn, với tình hình như hiện nay thì phân khúc này sẽ tiếp tục khan hiếm. Điều đó có nghĩa, người mua ở thực sẽ ngày càng khó sở hữu nhà đất. Đó là bất ổn cho thị trường vì mục tiêu cuối cùng của bất động sản là giải quyết được bài toán an cư cho người dân.
"Các thủ tục pháp lý khó khăn tác động khiến nguồn cung thị trường giảm đi. Trong khi nhu cầu ở thực vẫn tăng lên. Nhưng, rõ ràng nếu cung không đáp ứng đủ nhu cầu thì bất ổn nhiều hơn ổn định. Chưa kể, điều này còn tác động đến việc thị trường sẽ xảy ra sốt cục bộ ở một số nơi", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, bản chất của thị trường là cung - cầu phải tương đồng với nhau để tạo ra mức giá hợp lý. Khi cung nhiều, cầu ổn định, giá cả bất động sản sẽ có xu hướng ổn định, thậm chí giảm giá, có lợi cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, có 1.000 nhu cầu nhưng đến 100 doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường thì rõ ràng phải cạnh tranh nhau, phải giảm giá để bán, chứ không thể hét giá lên được.
Sở dĩ giá nhà ở tăng cao, vượt thu nhập của người dân tới 20 lần là do không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và đẩy giá nhà lên cao.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: "Tại Hà Nội, vẫn còn số ít chủ đầu tư vẫn đang phát triển các dự án nhà ở giá bình dân, tại TP.HCM, số dự án đang triển khai là 0".
Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/10 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, bất động sản là một thị trường và giá do thị trường quyết định, để giảm giá thì phải tăng cung, trong đó, để tăng số lượng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì phải có chính sách, đảm bảo nguồn cung cho đại đa số. Với nhà ở xã hội có giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2, đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, vấn đề là đẩy nhanh việc xây dựng các dự án.
Với nhà ở thương mại giá rẻ, khung giá 20 - 28 triệu đồng/m2, có diện tích dưới 45m2, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về cơ chế chính sách với mục đích tạo ra nguồn cung căn hộ vừa mức thu nhập để người dân có thể mua được.
Giải pháp nào giảm giá nhà?
Trước tình trạng trên, HoREA đã đề xuất 7 giải pháp nhằm giảm giá nhà ở trong bối cảnh liên tục tăng cao trong nửa thập niên qua.
HoREA khẳng định, cơ cấu giá thành của căn nhà chịu tác động rất lớn từ các nhóm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, hành lang pháp lý và chỉ có Chính phủ cầm trịch mới tháo gỡ được khúc mắc này.
Theo nghiên cứu của HoREA, có tổng cộng 8 loại chi phí cấu thành nên nhà ở từ gốc đến ngọn. Đó là bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, nộp tiền bảo vệ đất lúa, chi phí tạo lập quỹ đất dự án, xây dựng, quản lý, chi phí tài chính và có cả loại chi phí không tên (là nhóm chi phí nhạy cảm đặc thù của ngành bất động sản).
Trong các nhóm chi phí này vẫn còn nhiều bất cập tác động rất lớn đến giá thành nhà ở trên thị trường hiện nay, song nếu Chính phủ điều chỉnh chính sách có thể kéo giảm rất nhiều chi phí đầu vào.
Theo HoREA, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần mở thêm cơ chế thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, HoREA đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở. Theo đó, mức thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất.
HoREA hy vọng Chính phủ sớm triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m 2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Hà Linh
Link nội dung: https://diendantieudung.net/muon-giam-gia-nha-phai-tang-nguon-cung-a9116.html