Tôi có đọc hai bài viết tiêu đề “Thái Lan ra chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy sản xuất xe điện” và “Bentley dừng sản xuất xe dùng động cơ đốt trong vào năm 2030”. Với góc độ một người dùng thích tìm hiểu về kỹ thuật, tôi tự hỏi tương lai nào cho xe điện ở những thị trường đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan?
Xe điện chưa thể thay thế hoàn toàn xe động cơ đốt trong ở các nước đang phát triển. |
Có nhiều bài viết ca ngợi tính ưu việt của xe điện, như không ô nhiễm môi trường, tiết kiệm, an toàn… Và xu thế đang diễn ra là nhiều nước có chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển xe điện. Có lẽ vì vậy mà nhiều hãng sản xuất xe cũng đã và đang bắt đầu ưu tiên đầu tư cho mảng phát triển xe điện trong các dòng sản phẩm của họ.
Tất cả hãng xe mạnh nhất hiện nay đều có bộ phận phát triển và đầu tư mạnh vào xe điện. Thậm chí có hãng còn đưa ra chiến lược chấm dứt sản xuất xe dùng động cơ đốt trong trong thời gian sắp tới. Có lẽ điều này tác động đến cả những hãng xe mới (ví dụ như VinFast ở Việt Nam) và chính phủ ở những nước đang phát triển cũng tập trung tài chính, chính sách ưu tiên cho phát triển xe điện.
Nhưng với tôi, những điều đó chỉ là một mặt của vấn đề, hãy cùng “soi” lại công nghệ này trong điều kiện của các thị trường đang phát triển, để xem nó có thực sự ưu việt và động cơ đốt trong có đáng bị loại bỏ.
Đầu tiên, công nghệ pin cho xe điện hiện nay là Lithium-ion, nó vẫn đang được phát triển và nguyên liệu sử dụng chính là Lithium, Cobalt, Niken,... toàn những kim loại quý hiếm, do đó giá thành của pin cao là tất nhiên. Hiện nay số lượng quốc gia khai thác và bán ra các loại kim loại này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương lai sẽ không thể nói được khi họ khai thác hết các mỏ kim loại này.
Pin lithium-ion được làm từ những nguyên liệu quý và giá thành cao. |
Điều thứ hai tôi muốn nói đến là hiệu suất và hiệu quả bảo vệ môi trường (như truyền thông hay nhắc tới khi nói về xe điện). Hiệu suất truyền năng lượng tối ưu nhất khi càng qua ít các công đoạn (thiết bị) trung gian. Ai chứng minh được động cơ đốt trong của xe ôtô (hay xe máy) hiệu suất kém hơn động cơ của các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí hóa lỏng)?
Thực tế hiện nay, động cơ đốt trong của ôtô có hiệu suất tốt hơn nhiều so với các loại động cơ công suất lớn sử dụng trong máy phát điện hoặc tàu thủy. Nếu tính hiệu suất của động cơ đốt trong so với động cơ trên xe điện, thì với xe điện phải tính đến hiệu suất sử dụng nhiên liệu của nhà máy phát điện, cộng với hiệu suất truyền dẫn khi đến trạm sạc, như vậy mới công bằng.
Trong khi đó, với loại hình nhà máy thủy điện hoặc điện hạt nhân thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng có an toàn và bảo vệ môi trường tốt hơn nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, nguồn điện đến một chiếc EV thì tiêu hao bao nhiêu % trên đường dẫn khi đến trạm nạp? Theo tôi, để có 1 mã lực sức mạnh động cơ, chưa chắc xe điện tiêu tốn ít nhiên liệu hơn so với ôtô dùng động cơ đốt trong.
Pin nhiên liệu có vòng đời thấp hơn động cơ đốt trong, chắc tầm 3 đến 5 năm so với động cơ đốt trong hiện nay (ít nhất 10 năm bạn mới cần phải đại tu máy). Động cơ đốt trong thì đại tu và tiếp tục sử dụng, pin nhiên liệu thì phải tái chế. Đây là vấn đề lớn, nhất là ở các nước đang phát triển. Các thị trường này liệu có đủ năng lực tái chế toàn bộ các pin nhiên liệu hết hạn của ôtô? Tôi thì không tin các thị trường này đủ sức làm điều đó, ít nhất trong 10 năm tới. Vấn đề bảo vệ môi trường có thể nói là bỏ ngỏ ở những thị trường này.
Và cuối cùng, động cơ điện không dành cho tín đồ đam mê xe, những người thích nghe tiếng pô xe, lắng nghe động cơ xe hoạt động ra sao, thích mở nắp capo ra chùi lau hay tự tinh chỉnh. Với tôi, ôtô hay xe máy điện chưa thể thay thế xe dùng động cơ đốt trong ở các nước đang phát triển ít nhất trong 20 năm nữa, trong đó có Việt Nam.
Đây là ý kiến của bạn đọc Đặng Thanh Tâm. Độc giả có thể chia sẻ ý kiến của mình vào bình luận dưới đây hoặc email về xe@zing.vn
Link nội dung: https://diendantieudung.net/toi-khong-tin-xe-dien-se-thay-the-xe-dong-co-dot-trong-tai-viet-nam-a9281.html