Tỉnh dậy với đôi mắt mù lòa, nạn nhân Khatera hoảng loạn hỏi các bác sĩ: “Tại sao tôi không nhìn thấy gì?”. Sau đó, cô mới biết mình đang được điều trị vì vết thương nặng ở vùng mắt. “Ngay từ lúc đó, tôi biết mình đã bị mù”, người phụ nữ Afghanistan đau đớn chia sẻ.
Vụ tấn công dã man không chỉ cướp đi đôi mắt mà còn lấy đi cả sự nghiệp đáng mơ ước của bà Khatera. Chỉ vài tháng trước, bà Khatera được gia nhập lực lượng cảnh sát Ghazni ở vị trí sĩ quan điều tra tội phạm.
“Tôi ước mình được làm cảnh sát trong ít nhất một năm. Nếu như vậy, bi kịch này sẽ bớt đau đớn hơn. Tôi mới chỉ được thực hiện ước mơ của mình trong vòng 3 tháng”, bà chia sẻ với phóng viên của Reuters.
Cả nạn nhân và chính quyền địa phương đều tin rằng nhóm Taliban đã gây ra thảm kịch này. Song phía Taliban phủ nhận trách nhiệm và nói rằng nhóm tấn công chỉ làm theo lời gia đình nạn nhân, những người từng kịch liệt phản đối bà Khatera đi làm.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà Khatera đã muốn xây dựng một sự nghiệp độc lập. Sau khi trở thành cảnh sát, bà được chồng ủng hộ song không được chính cha đẻ hậu thuẫn. “Nhiều lần đi làm nhiệm vụ, tôi phát hiện cha mình đi theo. Ông ấy liên lạc với Taliban để yêu cầu họ ngăn cản công việc của tôi”, bà Khatera cho biết.
Người cha đã cung cấp bản sao thẻ căn cước của bà Khatera cho phía Taliban, đồng thời liên tục tra hỏi vị trí của con gái vào ngày xảy ra vụ tấn công. Phát ngôn viên từ lực lượng cảnh sát Ghazni đã bắt giữ cha của Khatera và xác nhận Taliban có liên quan đến vụ việc.
Khatera, người phụ nữ Afghanistan bị đâm mù mắt. Ảnh: Reuters. |
Phía Taliban xác nhận nhóm này có thông tin về vụ tấn công song tuyên bố đây là việc gia đình và họ không liên quan. Nạn nhân Khatera cùng gia đình riêng, gồm 5 con nhỏ, đang trú ẩn ở thành phố Kabul.
Theo các nhà hoạt động nhân quyền, vụ tấn công nhắm vào Khatera đã phản ánh xu hướng bạo lực gia tăng ở Afghanistan. Nạn nhân trong các vụ tấn công nghiêm trọng đều là những phụ nữ có công việc và địa vị ổn định trong xã hội.
Trong thời gian gần đây, Taliban khẳng định sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo luật Sharia. Dù vậy, nhiều phụ nữ có học thức đã bày tỏ thái độ nghi ngờ tuyên bố này.
Samira Hamidi, nhà vận động người Afghanistan của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Phụ nữ Afghanistan luôn gặp nhiều mối nguy thường trực trong cộng đồng. Song tình trạng bạo lực đã gia tăng trong thời gian gần đây và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/co-gai-afghanistan-bi-dam-mu-mat-vi-kiem-duoc-viec-lam-a9371.html