Với mục đích nhận định, phân tích nhằm đưa ra khuyến nghị trong hoạch định chính sách, chiến lược và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030, nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã thực hiện Báo cáo “Những chính sách dự kiến của ông Biden và hàm ý đối với Việt Nam”.
Đánh giá những điểm cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong trường hợp ông Biden thắng cử, báo cáo cho biết: Khác với Tổng thống Trump hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm bớt sự can thiệp ở bên ngoài để tập trung nâng cao sức mạnh nội địa, coi “nước Mỹ là trước tiên” (America First), từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi, ông Biden muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết mở ra "làn sóng thần" thay đổi trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế.
Theo đó, ông Biden cam kết: Khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế; Ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO, coi đây là “liên minh chính trị, quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại”; Giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc thông qua các giải pháp và nỗ lực liên minh quốc tế để gây sức ép thay vì áp thuế đơn phương; Nối lại quan hệ và khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong các tổ chức quốc tế như WHO, có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu....
Định hướng chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ là trở lại vai trò, vị thế trong toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, tiên phong trong việc kiến tạo các quy tắc thương mại toàn cầu, hạ thấp, giảm bớt các rào cản cho hoạt động thương mại toàn cầu (theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ - CFR, tháng 8/2020). Trong đó, các định hướng, chính sách thương mại quốc tế đáng chú ý, có thể tác động lớn tới hoạt động thương mại toàn cầu và các đối tác.
Với cương lĩnh "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build back better), định hướng chính sách kinh tế lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden sẽ là “An ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia” (theo CFR, tháng 8/2020). Trong đó, chính sách kinh tế và ngân sách của Mỹ sẽ tập trung cho cải cách thuế, hỗ trợ phát triển tầng lớp trung lưu, phát triển các sản phẩm của Mỹ, đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu của Mỹ (bao gồm cả việc đầu tư nhiều hơn cho công nghệ).
Ông Biden dự kiến sẽ bãi bỏ ưu đãi giảm thuế và tăng thuế đối với một số đối tượng, có vẻ đi ngược lại với những gì Tổng thống Trump đã làm. Đó là bãi bỏ các ưu đãi giảm thuế cho nhóm cá nhân giàu có nhất; tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng giàu có; tăng phúc lợi cho tầng lớp trung lưu (ví dụ: ưu đãi thuế cho những gia đình có con nhỏ,...).
Chính sách thuế dự kiến có 3 tác động chính: (i) Tăng nguồn thu ngân sách để có thêm nguồn chi cho các mục tiêu đầu tư như cơ sở hạ tầng, y tế, an sinh xã hội và ngân sách không bị thâm hụt nhiều. Tuy nhiên, nó cũng có thể sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Mỹ và đầu tư của Mỹ ra bên ngoài (do bị đánh thuế cao hơn); Không loại trừ tác dụng ngược, đó là những đối tượng chịu thuế suất cao hơn sẽ tìm cách trốn thuế...
Đánh giá, dự báo tác động của các chính sách thời ông Biden tới Việt Nam, nhóm Nghiên cứu BIDV đưa ra 5 tác động quan trọng:
Một là, việc chính quyền dưới thời ông Biden quyết tâm phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn, nếu hiệu quả, sẽ tạo điều kiện sớm mở cửa, khai thông thương mại, đầu tư, đối ngoại, du lịch và các hoạt động hợp tác khác với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hai là, việc chính sách của chính quyền mới được dự báo có tính ổn định hơn, ôn hòa hơn sẽ giúp tâm lý các nhà đầu tư và doanh nghiệp của thế giới nói chung và Việt – Mỹ nói riêng tăng lên, qua đó thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai bên.
Ba là, chính sách “dùng hàng hóa Mỹ” sẽ đòi hỏi doanh nghiệp Việt nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới khi có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sang Mỹ khi các yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn rất nghiêm ngặt và đòi hỏi sự khác biệt.
Bốn là, việc Mỹ nhiều khả năng trở lại đàm phán tham gia CPTPP và/hoặc đẩy mạnh hơn hợp tác thương mại đa phương sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hóa thị trường.
Năm là, việc cả ông Biden và ông Trump đều có chung quan điểm trong việc bảo vệ lợi ích của Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đúng các cam kết thương mại quốc tế (dù cách tiếp cận khác nhau) sẽ tiếp tục có những tác động đến xu hướng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh sau dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa thể chấm dứt ngay.
Báo cáo đưa ra kết luận, những chính sách dự kiến của chính quyền dưới thời ông Biden có những tác động quan trọng đối với toàn cầu và Việt Nam. Về tổng thể, cách tiếp cận của chính quyền mới cơ bản sẽ ổn định hơn, minh bạch, thận trọng, có kế hoạch và dễ đoán hơn. Tuy nhiên, những nhóm chính sách này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta sớm tìm hiểu, tiếp cận, đánh giá và chủ động thiết kế chính sách phù hợp.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/my-duoi-thoi-ong-biden-se-tac-dong-the-nao-toi-viet-nam-a9766.html