Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã cơ bản đi vào nề nếp, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình |
Đáng chú ý, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, mía tím, rau hữu cơ, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà, mật ong… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, được cấp Nhãn hiệu tập thể và Chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nổi bật là cam Cao Phong với khoảng 1.018,34 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Tỉnh cũng đã hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cung ứng hơn 10 triệu tem truy xuất nguồn gốc.
Để hưởng ứng Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình mới đây đã có công văn đề nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện một số hoạt động về an toàn thực phẩm năm 2020.
Cụ thể, đề nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý thông tin hoạt động “Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương” và hoạt động “Truyền thông về an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương” để biết và tham gia.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phát động các hoạt động cụ thể tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông, cổ động, tuyên truyền hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ truyền thống, cửa hàng bán và giới thiệu thực phẩm tại địa phương treo băng rôn tuyên truyền tại cơ sở hoặc trên trang web của đơn vị tuyên truyền “Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2020” và tham gia các hoạt động trực tuyến tại trang thông tin điện tử: antoanthucphamhd.vn, chia sẻ các hành động cụ thể vì an toàn thực phẩm, góp phần hình thành cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm.
Link nội dung: https://diendantieudung.net/hoa-binh-xay-dung-cong-dong-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-a10380.html