|
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Các tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.
Các tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án Nhân dân Tối cao đã biên soạn giáo trình và tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về kỹ năng tổ chức tranh tụng tại phiên tòa.
Nhiều tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với viện kiểm sát cùng cấp tổ chức các “phiên tòa mẫu”, “phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm”... Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.
Về bồi thường, từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2020, các tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường. Công tác giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các tòa án thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.
Công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, tố tụng của Tòa án Nhân dân Tối cao bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tòa án Nhân dân Tối cao đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; ban hành 14 nghị quyết, một thông tư, một chỉ thị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; 5 tập giải đáp và 3 công văn thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vấn đề vướng mắc nghiệp vụ; phối hợp xây dựng, trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành 15 thông tư liên tịch. Tổ chức đối thoại trực tuyến định kỳ giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao với Thẩm phán toàn quốc để giải đáp những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Về nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.
Trong xét xử các vụ việc dân sự, đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; khuyến khích công tác hòa giải; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết tốt vụ án.
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Trong xét xử các vụ án hành chính, các tòa án đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tính đến ngày 30/9/2020, không còn vụ án nào quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của tòa án.
Về thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tòa án Nhân dân Tối cao đã thành lập 38 tòa gia đình và người chưa thành niên tại các toà án nhân dân cấp tỉnh. Các tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định. Mức hình phạt mà các tòa án đã tuyên phạt bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Về các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới được Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập tới là: Tăng cường xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn pháp luật và phát triển án lệ.
Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử; nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều khiển phiên tòa cho đội ngũ thẩm phán. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Hoàn thiện Quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết.
Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, tòa án các cấp nhất là các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đổi mới công tác đào tạo, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, thực chất, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các tòa án sau Đại hội Đảng các cấp.
Đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính- tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch hoạt động của tòa án.
Nguyễn Hoàng