Triển khai tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Theo dõi KTMT trên
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải theo Quyết định của Chính phủ.
Thực hiện Quyết định số 756/QĐ-TTg, ngày 14/4/2025 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Theo Công văn, tổng diện tích lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải gần 105ha, thuộc địa bàn xã Hiền Thành, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Hải (huyện Gio Linh), tỉnh Quảng Trị và khu vực cảnh quan, không gian mặt nước, cây xanh liên quan. Trong đó, khu vực bảo vệ của di tích có diện tích gần 22ha; bao gồm các điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Theo đó, mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, phát huy giá trị di sản, công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước; Bảo tồn, tu bổ nhằm gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, của di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Đồng thời, phát triển, mở rộng và bổ sung chức năng nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, khai thác đa dạng hoạt động tham quan, du lịch để Khu di tích trở thành một điểm tham quan, du lịch đặc trưng, hấp dẫn của tỉnh Quảng Trị, cả nước và quốc tế. Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Nguồn vốn triển khai bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích này từ ngân sách Nhà nước: Ngân sách Trung ương, vốn sự nghiệp Trung ương và ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn sự nghiệp Trung ương và ngân sách địa phương.
Vốn ngân sách Trung ương sử dụng vào các dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích; Xây dựng quảng trường Thống Nhất, công viên Hòa Bình; Đầu tư hệ thống giao thông trong khu di tích. Vốn sự nghiệp Trung ương dành cho các dự án mở rộng khu vực di tích thành phần giai đoạn 2 để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ di tích; Xây dựng tư liệu, dữ liệu bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể; Các công trình biểu tượng.
Vốn ngân sách địa phương sử dụng vào các dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát huy giá trị di tích; đào tạo nguồn nhân lực và giáo dục cộng đồng; dự án đảm bảo sinh kế cộng đồng dân cư trong khu di tích; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc.
Vốn xã hội hóa, được huy động từ đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của nhân dân và các nguồn hợp pháp khác. Nguồn vốn này sử dụng vào đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại gắn chức năng phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch.
Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị. Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy.
Sau khi Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước. Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.
Quang Trường