Doanh nghiệp sẽ có môi trường kinh doanh tốt hơn
Tại Hội thảo “Những điểm mới và các lưu ý cho DN về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 4/11, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới tại Việt Nam, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng trên trường quốc tế.
Hội thảo “Những điểm mới và các lưu ý cho DN về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020” |
Trong quá trình hoạt động, các vấn đề mà các nhà đầu tư, DN luôn luôn đối mặt khi kinh doanh là quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, mô hình hoạt động, thuế, tranh chấp hợp đồng… các yếu tố rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Vì thế, việc nắm bắt, hiệu đúng vận dụng đúng về Luật Đầu tư cũng như Luật Doanh nghiệp rất quan trọng cho nhà đầu tư và DN, giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty và đặc biệt giúp nhà đầu tư định hướng được chiến lược phát triển dài hạn cho DN mình.
Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nếu Luật Doanh nghiệp 2000 là bộ luật đột phá về gia nhập thị trường và thành lập DN thì Luật Doanh nghiệp 2014 là bộ luật đột phá về quản trị DN. Với bộ luật năm 2020, chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu về thành lập DN và nâng cao hiệu quả quản trị công ty. Mục tiêu khi thi hành luật mới là đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia có khuôn khổ quản trị công ty tốt nhất.
Cụ thể Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN đăng ký đầu tư, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính; hướng đến mục tiêu tổng thể là tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 có nhiều thay đổi, nổi bật trong số đó là thay đổi liên quan đến vấn đề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư kinh doanh, thực hiện dự án. Có thể nói, Luật Đầu tư 2020 sẽ là bước đà tốt thúc đẩy các dòng vốn đầu tư, giúp DN có cơ hội tiếp cận gần hơn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; DN nước ngoài cũng có cơ hội để phát triển nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.
Phù hợp với xu thế hội nhập
Đưa ra những đánh giá tích cực về những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020, ông Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ DN vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm do Covid-19, việc thay đổi chính sách từ luật mới nhằm tạo thuận lợi cho DN chuyển mình lúc này là điều rất cần thiết. Tuy vậy, để thực sự có được những cơ hội DN cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả, đúng hướng.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đi vào thực thi trong thời gian tới đối với nội dung liên quan đến việc xóa bỏ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020, định hướng DN đến những phương thức đòi nợ văn minh hơn qua kênh tòa án, trọng tài, hòa giải.
Trong bối cảnh kinh doanh hội nhập việc sử sử dụng trọng tài và hòa giải đang là xu hướng giải quyết tranh chấp được DN lựa chọn nhiều. Tại Việt Nam, xu hướng trọng tài cũng phát triển khá rõ rệt khi các vụ tranh chấp tăng ngày càng cao. Theo cập nhật từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) số lượng các tranh chấp nộp đến trung tâm tăng theo thời gian và rất đa dạng. Đây là cơ sở để DN có thể cân nhắc sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp này khi dịch vụ đòi nợ không còn nữa.
Mặc dù đánh giá cao những thay đổi về thủ tục nhưng theo chuyên gia, nhiều quy định chồng chéo vẫn cần được xem xét và tháo gỡ nhanh trong luật mới để môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện hơn.