Theo ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, dù thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics, nhưng việc quy hoạch các cảng biển tại khu vực ven biển miền Trung đang có sự bất cập.
Cùng với đó, ngành logistics tại khu vực miền Trung có sự cạnh tranh giữa các tỉnh. Nguyên nhân là do sự phân công giữa các vùng và sự điều phối của liên kết vùng chưa được đảm bảo.
“Tôi thấy cảng Đà Nẵng hoạt động vẫn chưa hết công suất, lượng hàng đổ về Đà Nẵng không nhiều. Bởi lượng hàng hóa khi về đến khu vực miền Trung thì rải rác ở các tỉnh. Hiện nay, ngành logistics của Đà Nẵng đang tập trung chủ yếu phục vụ cho các khu công nghiệp của địa phương” ông Huỳnh Huy Hòa nói.
Ông Trần Phước Hồng, Giám đốc công ty Danalog Đà Nẵng cho hay, hiện nay không chỉ ở Đà Nẵng, mà các tỉnh như Huế và Quảng Nam cũng có cảng biển. Việc quy hoạch các cảng như vậy là không phù hợp và dễ dẫn đến sự kìm hãm phát triển của nhau.
"Ngành logistics khu vực miền Trung cần có một đầu tàu, để thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh. Đây là điều quan trọng giúp Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung phát triển ngành logistics", ông Hồng cho hay.
Ông Hồng cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả ngành logistics, mỗi cảng biển nên bố trí cách nhau khoảng 300 km. Như vậy, sự cạnh tranh giữa cảng biển sẽ được hạn chế.
Ông Phan Thái Bình, Phó phòng Kế hoạch đầu tư – Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho hay, trước sự bất cập trong việc quy hoạch các cảng biển, Bộ Giao thông vận tải đang rà soát lại các cảng biển tại khu vực ven biển miền Trung.
Sau khi rà soát, Bộ sẽ tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong đó, mỗi cảng sẽ được phân loại và định hướng phù hợp với đặc điểm của địa phương đó.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các loại hình đầu mối giao thông, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và sự phát triển của hành lang kinh tế Đông - Tây, khiến dịch vụ du lịch và logistics ngày càng tăng.
Để phát triển cơ sở hạ tầng đúng tiềm năng, Đà Nẵng không ngừng đầu tư, nâng cấp các cảng biển, để nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 13%/năm; năm 2019 sản lượng đã đạt 10,46 triệu tấn, có hơn 30 hãng tàu container lớn trên thế giới đang cập cảng với tần suất trung bình hơn 25 chuyến/tuần
Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về việc “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó nhấn mạnh "Cần có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng".
Sau đó, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình số 41-CTr/TU, để triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”, tạo các cơ chế cho Đà Nẵng phát triển các ngành mũi nhọn.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; khuyến khích thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cả về số lượng và chất lượng, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn; tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch quỹ đất phù hợp phục vụ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn…