Đại biểu Quốc hội băn khoăn phình bộ máy, tăng kinh phí

14/11/2020 19:01

(Chinhphu.vn) – Tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần làm rõ một số quy định của dự thảo như tính tự nguyện của lực lượng này thể hiện không bền vững nhưng trách nhiệm lại cao, hoạt động bán thời gian hay toàn thời gian, có làm phình bộ máy nhân lực hay không…

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nhiều ĐBQH thống nhất sự cần thiết phải ban hành luật, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu để dự thảo Luật đúng mục tiêu, phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tránh chính quy hoá lực lượng quần chúng và tránh làm thay nhiệm vụ của lực lượng chính quy.

Tại tổ TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - tên gọi này đã xác định đây là lực lượng bán chính quy, nhưng không có nghĩa là không tổ chức bộ máy một cách kiện toàn.

“Tại khu phố nhà tôi, lực lượng này thời gian qua đã phát huy vai trò rất quan trọng vì họ giúp giải quyết được những điểm nóng khi lực lượng công an chưa có mặt. Do vậy, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố đã thể hiện vai trò quan trọng tại một số địa bàn. Tôi đã chứng kiến việc nhóm đòi nợ thuê, chỉ có 2-3 người, đã khiến người dân vô cùng hoang mang. Nhưng khi lực lượng dân phòng có mặt, thì tình hình được ổn định”, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý luật này rất cần thiết để kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời giải quyết một điểm là lực lượng công an xã tinh giảm biên chế có thể đóng góp vào đây.

Cũng tại tổ TPHCM, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng lại cho rằng, không thể nói đây là lực lượng bảo vệ cơ sở, vì nhiệm vụ đề ra trong dự án luật không có nhiệm vụ nào lực lượng này trực tiếp tham gia hay tự chủ trì để thực hiện. Vậy đây có phải là “lực lượng” không?

“Chúng ta đưa ra luật thì phải xác định một lực lượng có nhiệm vụ. Thứ 2, công tác tổ chức không rõ ràng, tổ chức ở “cơ sở” - đây là từ chính trị chứ không phải từ “pháp lý”, phải nói là “địa bàn xã, địa bàn huyện, địa bàn tỉnh”. Dân quân thì làm đến đâu, dân phòng làm đến đâu và được hoạt động cơ động đến đâu? Khi đặt vấn đề này, còn yếu tố kinh phí bảo đảm lực lượng chưa rõ ràng. TPHCM có điều kiện để chăm lo cho lực lượng bảo vệ dân phòng, phòng cháy chữa cháy ở cơ sở, trước đây là lực lượng công an xã… cơ bản tốt. Tuy nhiên, nhiều nơi làm chưa tốt, chưa làm được việc chăm lo đời sống, chính sách cho lực lượng này”, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nói.

Theo tính toán của cơ quan trình dự án Luật, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách. Nếu Luật được thông qua, chúng ta sẽ giảm được 500.000 người. Song thực tế, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, các lực lượng cơ sở sẽ tăng biên chế thêm 800.000 người, chứ không giảm đi.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) tán thành sự cần thiết ban hành Luật này bởi tình hình an ninh trật tự cơ sở hiện nay diễn biến phức tạp, nổi lên là trộm cướp, ma tuý tăng nhanh, các vi phạm về môi trường, lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng…

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được dự thảo Luật xác định là “lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia, phối hợp, hỗ trợ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ an ninh trật tự cơ sở”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét lại cụm từ “tự nguyện”, bởi xác định là tổ chức “tự nguyện” thì tính tổ chức không bền vững, trách nhiệm không cao. Trong khi dự thảo luật quy định về quyền, nghĩa vụ của lực lượng rất rộng, rất nặng và có nhiều nhiệm vụ làm thay lực lượng công an như tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam, bảo vệ an ninh quốc gia... tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; quản lý vũ khí, vận động thuyết phục, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật về sinh sống ở địa bàn”, đại biểu Nguyễn Hồng Hải đặt câu hỏi.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định phương thức, thời gian hoạt động, làm việc của lực lượng này như làm việc như thế nào, bán thời gian hay toàn thời gian.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, khi ban hành luật sẽ giảm số người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước. Đó là, cắt giảm 500.000 người hoạt động bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó có 126.084 công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Tuy nhiên theo báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở nếu thành lập đủ thì khoảng 1,5 triệu người, gấp 3 lần số cắt giảm.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) có cùng quan điểm này cho rằng: Nói là tinh gọn nhưng e rằng Luật lại đẻ ra bộ máy lớn. Quy định trách nhiệm lực lượng bảo vệ này không có gì đặc biệt hơn so với hiện nay đang thực hiện kết hợp. Nhưng có điều chế độ bồi dưỡng hỗ trợ quá lớn, thậm chí giống hoặc nhiều hơn công chức

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu. Ảnh VGP/ Lê Sơn
Với vấn đề ĐBQH nêu, Bộ tưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm nêu câu hỏi: Tại sao có lực lượng này và có luật này? Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế lực lượng này đang tồn tại và hoạt động tại các địa phương, chứ không phải ra luật để thêm lực lượng mới.

“Chi phí có thể phát sinh là vấn đề cần lưu ý. Với lực lượng Công an không chính quy, kỳ họp này đã có luật và trình Quốc hội... Một số lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia chưa được văn bản quy định, nên cần tổng kết để đưa vào luật”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm trấn an, Luật này ra đời không ảnh hưởng tới hoạt động của các mô hình, các lực lượng khác: “Đây là sự đóng góp, sức sáng tạo của nhân dân, phù hợp từng địa phương và phong tục tập quán.... Vẫn là hiệp sĩ, vẫn khu phố an toàn, khu văn hoá... và Luật này là chỗ dựa để có thể lồng ghép cho các lực lượng làm nhiệm vụ của mình. Lực lượng này hoạt động phải theo luật và cần thiết ban hành luật”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quan trọng, có trọng tâm là người dân, huy động sức mạnh nhân dân làm nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc.

“Điều này đã được tổng kết nhiều năm nay, là đặc trưng rất lớn của Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam, của phong trào đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự tại Việt Nam. Nhiều nước không có mô hình này đã sang để học tập Việt Nam”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thực tế, lực lượng này đang tồn tại và hoạt động tại địa phương và là lực lượng quan trọng của phương thức “4 tại chỗ”. Luật này ra đời không khác xa lắm Luật Dân quân tự vệ và nhiều chính sách đã được vận dụng sang luật này, với sự tương thích đồng thuận.

Lê Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội băn khoăn phình bộ máy, tăng kinh phí" tại chuyên mục TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).