Thực tế đó đang diễn ra trong mùa báo cáo kinh doanh quý III khi lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành bị phân hóa mạnh mẽ dù Việt Nam được xem là hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Lợi nhuận D2D, Kinh Bắc, Idico giảm sâu
Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) ghi nhận doanh thu quý III chỉ còn hơn 63 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế còn hơn 34 tỷ đồng, giảm 78%. Kết quả này chủ yếu do nguồn thu từ dự án Khu dân cư Lộc An bị giảm mạnh.
Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 47% và lợi nhuận sau thuế giảm 23% còn hơn 184 tỷ đồng. Dù vậy với kế hoạch lãi 179 tỷ đồng năm 2020, doanh nghiệp đã vượt kế hoạch năm sau 9 tháng.
Để bù đắp nguồn thu giảm từ Lộc An, D2D đã triển khai nhiều dự án dở dang khác như Khu dân cư đường Võ Thị Sáu, Khu dân cư phường Thống Nhất, chung cư D2D, chợ mới Quản Thủ, KCN Nhơn Trạch 2, dự án thuê đất KCN Châu Đức…
Đơn vị: tỷ đồng |
Tương tự Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) ghi nhận doanh thu quý III đạt 89 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ 2019 và lãi giảm 44% còn 37 tỷ đồng. Kết quả đi xuống theo doanh nghiệp là bởi dịch Covid-19 khiến khách hàng thuê đất gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Nhờ sự khả quan trong nửa đầu năm, Sonadezi Châu Đức vẫn báo doanh thu 9 tháng tăng 28% và lợi nhuận sau thuế tăng 41% đạt 162 tỷ đồng. Theo đó, công ty cũng vượt 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tổng công ty Idico (HNX: IDC) có kết quả kém khả quan khi lợi nhuận giảm đến 30% trong quý vừa qua còn 170 tỷ đồng. Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế giảm 20% xuống 382 tỷ đồng và vượt 18% kế hoạch năm.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) thậm chí còn lỗ gần 9 tỷ đồng. Lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 21 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi 110 tỷ đồng. Như vậy kể từ mức lỗ ròng 58 tỷ đồng quý III/2013, đây là lần đầu công ty báo lỗ trở lại.
Một số đơn vị khác có lợi nhuận giảm trong quý vừa qua có thể kể đến như Khu công nghiệp Cao Su Bình Long (UPCoM: MH3) giảm 16%, lợi nhuận Tổng công ty Sonadezi (UPCoM: SNZ) giảm 8% chủ yếu do giảm doanh thu kinh doanh nhà và hạ tầng…
Hiệp Phước và BAX lãi đột biến
Ở chiều ngược lại, Khu công nghiệp Hiệp Phước (UPCoM: HPI) bất ngờ lãi lớn 115 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp 24 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này là do doanh thu cho thuê đất tăng 525% khi công ty có nhiều hơn các hợp đồng đã thanh toán đạt mức 95% (khi hợp đồng được thanh toán đến 95%, Hiệp Phước sẽ thực hiện ghi nhận doanh thu 1 lần thay vì phân bổ đều theo số năm thuê nếu chưa đạt tỷ lệ này). Doanh thu khác bao gồm cấp nước và xử lý nước thải, cho thuê nhà lưu trú, doanh thu tài chính… cũng tăng 30%.
Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu Hiệp Phước dù giảm 34% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận vẫn tăng 30% đạt 131 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã vượt đến 103% kế hoạch năm.
Đơn vị: tỷ đồng |
CTCP Thống Nhất (HNX: BAX) cũng có sự đột biến trong quý III khi doanh thu cao gấp 13 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gấp gần 16 lần cùng kỳ đạt 121 tỷ đồng. Đây là quý có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi lên sàn giao dịch hồi năm 2017 đến nay. Kết quả này là nhờ nguồn thu mới từ bán đất nền nhà ở dự án khu Trung tâm dịch vụ của doanh nghiệp.
Sau 9 tháng hoạt động, doanh thu thuần tăng gần 74% lên 283 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 94% đạt hơn 135 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm. Thu nhâp trên mỗi cổ phần 9 tháng đạt đến 16.497 đồng.
“Ông lớn” trong ngành là Becamex (HOSE: BCM) có doanh thu tăng 9% lên 1.553 tỷ và lợi nhuận tăng 20% đạt 631 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng giảm 27% còn 1.282 tỷ đồng và vượt 38% kế hoạch lợi nhuận năm (công ty đặt mục tiêu lãi năm nay là 931 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2019).
Một số doanh nghiệp khác có kết quả khả quan như Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) tăng 26% về lợi nhuận đạt 252 tỷ đồng, Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) lãi tăng 66% lên 113 tỷ đồng, Đầu tư phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) tăng lợi nhuận 212%...
Triển vọng dài hạn vẫn tích cực
Dù lợi nhuận bị phân hóa trong ngắn hạn, SSI Research tin rằng quá trình đa dạng hóa sản xuất toàn cầu đang được đẩy mạnh và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Nhóm chuyên gia nhận định khi đại dịch lắng xuống thì sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp đối với các công ty chuẩn bị chuyển sản xuất sang Việt Nam.
SSI Research kỳ vọng nhu cầu về đất khu công nghiệp tiếp tục có nhiều triển vọng trong năm 2021 nhờ quy hoạch mới của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng diện tích các khu công nghiệp mới trong tương lai, cơ sở hạ tầng ngày càng kết nối thuận tiện hơn và giá đất thuê khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực sẽ là lợi thế để thu hút FDI.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính hết tháng 9/2020, cả nước có 366 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 113.000 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên.
Trong đó, 279 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 81.800ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 55.900 ha, đã cho thuê 39.700ha (đạt tỷ lệ lấp đầy 71,1%). Đồng thời, có 87 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31.100 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 17.600 ha.
Cổ phiếu Vinaconex đứt chuỗi giảm điểm sau thông tin muốn mua lại 44 triệu cổ phiếu VCG Thông tin HĐQT Vinaconex đã có nghị quyết mua lại 10% tổng số cổ phần phổ thông, tương ứng tối đa 44 triệu cổ phiếu ... |
Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất 7 gói giải pháp kéo giảm giá nhà Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có nhiều hướng hành động để kéo giảm giá nhà và Chính phủ đóng vai trò ... |
Đô thị Kinh Bắc (KBC) báo lỗ ròng 21 tỷ trong quý III Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE - Mã: KBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý ... |