Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 10-2020, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với tổng số tiền 21.685 tỉ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ BHXH Việt Nam, cho biết trong số này nợ BHXH 16.674 tỉ đồng, nợ BHYT 3.868 tỉ đồng, nợ BHTN là 911 tỉ đồng.
Bêu tên doanh nghiệp chây ì
Mới đây, BHXH TP Hà Nội tiếp tục công khai danh sách hàng trăm đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH lớn từ 6 đến 24 tháng tính đến hết tháng 8-2020, với tổng số nợ cả trăm tỉ đồng.
Đứng đầu danh sách là Công ty CP Sông Đà 6 nợ 11 tháng với số tiền hơn 9,3 tỉ đồng, tiếp đến là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4, nợ 23 tháng với số nợ gần 5,3 tỉ đồng; Công ty CP Tường kính TID nợ 17 tháng với số nợ hơn 5,2 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển giáo dục IGARTEN, nợ 8 tháng với số nợ hơn 4,3 tỉ đồng...
Thời gian qua, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thu nợ như hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT đến chủ DN để đôn đốc thu, thu nợ; cử cán bộ chuyên quản đến trực tiếp DN để đôn đốc; thực hiện thanh tra đột xuất một số DN nợ BHXH, BHYT kéo dài hoặc có biểu hiện trốn đóng... Tuy nhiên, hết tháng 9-2020 địa phương này vẫn có tới hơn 5.200 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền gần 487 tỉ đồng. Đáng chú ý, một số DN có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, thậm chí đã được thanh kiểm tra nhiều lần nhưng không chấp hành nghiêm kết luận thanh tra.
Tại Tuyên Quang, tính đến hết tháng 8-2020, số nợ BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động là 60,491 tỉ đồng. Mặc dù, cơ quan BHXH đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ nhưng nhiều DN vẫn không chấp hành. Trong đó, có DN trả nợ kiểu nhỏ giọt, có đơn vị khó có khả năng trả nợ vì gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Đại diện BHXH nhiều địa phương cho rằng nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Cá biệt có những DN cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động (NLĐ) để sử dụng vào mục đích khác. Một số DN tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng lấy nguyên nhân dịch bệnh đã cố tình nợ đọng, trốn đóng hoặc đóng không đúng mức quy định. Trong khi đó, hệ thống chế tài điều chỉnh những vi phạm này chưa được quy định rõ ràng và chưa đủ tính răn đe cũng là nguyên nhân làm cho vi phạm gia tăng.
Khoanh vùng, rà soát các đơn vị nợ BHXH
Trước tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN có diễn biến ngày càng phức tạp, mới đây BHXH tỉnh Thanh Hóa vừa chuyển hồ sơ 4 DN nợ đọng BHXH, BHYT sang cơ quan công an để thực hiện quy trình khởi tố theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, gồm: Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 (TP Thanh Hóa), Công ty TNHH TS Vina (huyện Yên Định), Công ty TNHH May Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa) và Công ty TNHH May Đa Lộc (huyện Hậu Lộc).
Đại diện BHXH TP Hà Nội cũng cho biết ngoài việc công khai và gửi danh sách các DN nợ BHXH cho UBND TP Hà Nội, BHXH TP sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tìm phương án giải quyết nợ đọng, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Còn BHXH tỉnh Ninh Bình cũng cho biết từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện hồ sơ và thực hiện khởi tố 1 đến 2 đơn vị cố tình chây ì nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN…
"Hiện tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn là 148,3 tỉ đồng, tăng 71,2 tỉ đồng (tăng 2,34%) so với năm 2019" - đại diện BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết. Tại tỉnh Khánh Hòa, sau khi rà soát đơn vị, DN có nợ đọng BHXH kéo dài, BHXH tỉnh đã chuyển 7 trường hợp sang cơ quan công an. Đây là những DN có dấu hiệu vi phạm quy định về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành BHXH đã gửi khoảng 70 hồ sơ kiến nghị khởi tố DN nợ BHXH. Theo bà Nguyễn Thị Anh Thơ, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), tính đến hết tháng 8-2020, đã có 34/63 BHXH tỉnh, TP thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN của 67 đơn vị tới cơ quan công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố mà chỉ được xem xét, giải quyết.
Đại diện Vụ Pháp chế cho rằng BHXH các tỉnh, TP vẫn còn lúng túng trong việc xác định hành vi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để kiến nghị khởi tố, đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác cũng là một hạn chế trong việc áp dụng pháp luật. "Thực tế có đến trên 20% số trường hợp cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định nên không khởi tố" - bà Thơ nói.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) vừa được ngành BHXH ban hành là tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho hay sắp tới đây, ngành BHXH sẽ áp dụng triệt để các ứng dụng, phần mềm từ công nghệ thông tin để sàng lọc dữ liệu trước khi tới các đơn vị thanh tra kiểm tra. Trong đó, áp dụng phần mềm công nghệ thông tin để khoanh vùng, rà soát các đơn vị, từ đó, phân vùng từng mức độ và đưa ra cảnh báo riêng cho từng khu vực. Đối với vướng mắc về xử lý các đơn vị nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng khẳng định, sẽ sớm thống nhất để ký kết với phía tòa án, Bộ Công an nhằm giải quyết tình trạng trên.
Bảo đảm quyền lợi NLĐ tại các DN phá sản
Từ nay đến cuối năm, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP củng cố, hoàn thiện hồ sơ kiến nghị cơ quan công an khởi tố đối với các DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. "Đối với quyền lợi của NLĐ tại các DN phá sản, giải thể, trong khi chờ sửa đổi luật cho phù hợp thì BHXH tỉnh, TP có những giải pháp, tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương có biện pháp xử lý đối với các DN này, trong đó ưu tiên thu hồi tiền đóng BHXH, bảo đảm được tốt nhất quyền lợi cho NLĐ" - ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, lưu ý.
(Theo Người Lao Động)