Chân dung Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình

04/11/2020 07:36

Ông Nguyễn Văn Bình vừa bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật từng bị tạp chí Global Finance liệt vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) kém nhất trên thế giới. Giai đoạn ông Bình làm Thống đốc, NHNN đã thực hiện cuộc tái cấu trúc trên toàn bộ hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Bình sinh ngày 4/3/1961, quê quán phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, là tiến sĩ khoa học hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khoá XIV nhiệm kì 2016-2021 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Văn Bình bắt đầu công tác tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vị trí chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại từ năm 1986-1992.

Sau đó, ông Bình lần lượt kinh qua các vị trí Phó Trưởng Phòng các Tổ chức quốc tế, Trưởng Phòng Ngân hàng Thế giới, Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN; Phó Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế, rồi Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Thống đốc NHNN; Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP. Hà Nội; Phó Chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB) tại Liên bang Nga; Chánh Thanh tra NHNN; Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN.

Đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông Bình được Quốc hội phê chuẩn làm Thống đốc NHNN và trở thành Thống đốc NHNN vào 3/8/2011.

Ngày 8/4/2016, ông Nguyễn Văn Bình được miễn nhiệm chức vụ Thống đốc NHNN. Đến ngày 11/4/2016, thì ông Bình được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ngày 19/7/2016, ông được bổ nhiệm kiêm chức Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Giai đoạn ông Bình làm Thống đốc NHNN, NHNN đã thực hiện cuộc tái cấu trúc trên toàn bộ hệ thống khi thực hiện một loạt thương vụ M&A những ngân hàng yếu kém, sáp nhập vào các ngân hàng lớn và thành lập VAMC (27/6/2013). 

Thời điểm ông Bình nhậm chức Thống đốc NHNN, nền kinh tế đang có tỷ lệ lạm phát lên tới 18,6%, nợ xấu ở mức 17,2% (tháng 9/2012). VAMC được coi là nơi "nhốt" nợ xấu để con số nợ xấu nội bảng trong nền kinh tế chỉ còn 2,7% vào đầu năm 2016.

Cũng trong khoảng thời gian này, NHNN đã đề xuất một loạt các chính sách để xử lý nợ xấu như "một luật riêng để xử lý nợ xấu", góp phần hình thành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

Đáng chú ý nhất trong giai đoạn làm Thống đốc NHNN, ông Bình đã đồng ý cho NHNN mua lại 3 ngân hàng 0 đồng là Oceanbank, GPBank và CBBank. Ba ngân hàng này hiện vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, kết quả được kiểm toán nhà nước kết luận là "ngày càng khó khăn, lỗ lũy kế tiếp tục tăng". 

Tháng 8/2012, ông Nguyễn Văn Bình bị tạp chí Global Finance liệt vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất trên thế giới sau 1 năm nhậm chức Thống đốc.

Tại kỳ họp kỳ họp 49, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Cụ thể, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của NHNN và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông Nguyễn Văn Bình. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình.

Bạn đang đọc bài viết "Chân dung Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình" tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).