"Cửa nhà" Nga bất khả xâm phạm, Thổ Nhĩ Kỳ không đủ lực "giỡn mặt"

18/11/2020 11:27

Ở nơi gần "ngưỡng cửa" của mình, Nga ít phải nhượng bộ sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ như ở Syria và Libya xa xôi.  

Tiêu điểm - 'Cửa nhà' Nga bất khả xâm phạm, Thổ Nhĩ Kỳ không đủ lực 'giỡn mặt'

Thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian chưa thể trở thành thỏa thuận hòa bình trên thực tế.

Nga chưa thắng?

Sau khi làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình ngày 10/11 giữa Azerbaijan và Armenia để chấm dứt xung đột giữa họ ở Nagorno-Karabakh, Nga được cho là đã nắm vai trò dẫn dắt địa chính trị ở khu vực Nam Caucasus chiến lược.

Tuy nhiên, tờ Asia Times thận trọng về bất kỳ đánh giá nào cho rằng Nga là người chiến thắng trong cuộc xung đột vừa qua, bởi nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách vẫn chưa được giải quyết.

Việc triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ đóng vai trò như một vùng đệm giữa hai bên trong tương lai gần. Những lực lượng này sẽ bảo vệ hiệu quả các khu vực vẫn do Armenia kiểm soát ở Nagorno-Karabakh, được chia thành hai khu vực phía Bắc và phía Nam theo bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga tạo ra.

Nó cũng sẽ mở hai hành lang vận tải, một từ Armenia đến Nagorno-Karabakh và một từ Azerbaijan qua lãnh thổ Armenia đến vùng đất tự trị Nakhchivan.

Thỏa thuận ba bên, không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên của nhóm Minsk, Mỹ và Pháp, đánh dấu một cột mốc mới trong việc nắm quyền bá chủ của Nga trong khu vực, đảo ngược đà ủng hộ NATO ở cả Yerevan và Baku trước xung đột. Thỏa thuận cũng có thể sẽ tác động đến kế hoạch trở thành thành viên NATO của nước láng giềng Gruzia trong tương lai gần.

Đáng chú ý, Nga đã bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình Nagorno-Karabakh, thay vào đó giới hạn lực lượng này ở vai trò quan sát viên. Ở nơi gần "ngưỡng cửa" của mình, Nga ít phải nhượng bộ sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ như ở Syria và Libya xa xôi.  

Azerbaijan nhận thức rõ giới hạn của Moscow, hiểu rằng bất kỳ hành động sai lầm hoặc quá mức nào của Baku trong việc ủng hộ Ankara đều có thể dẫn đến nguy cơ Moscow nghiêng hẳn về bảo vệ Yerevan. 

Hiện tại, khi đột nhiên rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau xung đột, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đảo ngược xu hướng thân phương Tây trước đây và gia tăng sự phụ thuộc mạnh mẽ của nước này vào Nga - mặc dù có nhiều đánh giá trái chiều về việc Nga đã ít hỗ trợ nước này trong thời gian cuộc xung đột kéo dài sáu tuần.

Trò chơi chờ đợi

Theo Asia Times, sự hỗ trợ của Nga sẽ rất quan trọng đối với sự tồn tại của những người Armenia còn lại ở Nagorno-Karabakh. Sự can thiệp của Nga đã ngăn cản một chiến thắng hoàn toàn của Azerbaijan trong khi cũng giúp Baku thoát khỏi vấn đề đau đầu trong tương lai một khi căng thẳng bùng nổ trở lại ở Nagorno-Karabakh.

Tiêu điểm - 'Cửa nhà' Nga bất khả xâm phạm, Thổ Nhĩ Kỳ không đủ lực 'giỡn mặt' (Hình 2).

Nga đang phải đón nhận những ý kiến trái chiều về cách hành động trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Đồng thời, Nga hiện sẽ có một căn cứ quân sự mới nằm trực tiếp tại Nagorno-Karabakh, bổ sung vào các căn cứ khác mà nước này duy trì ở Ngoại Caucasus bao gồm Armenia, Abkhazia và Nam Ossetia.

Nhưng, Nga hiện đang trực tiếp vướng vào một bối cảnh xung đột phức tạp sẽ gây tốn kém và có thể kéo dài nhiều năm với kết quả không chắc chắn. Theo một số khía cạnh, cuộc chiến đã làm tổn hại đến uy tín của Nga và vẫn chưa rõ sự hòa giải sau xung đột của Tổng thống Vladimir Putin có đủ để bù đắp cho vốn liếng địa chính trị bị mất trong cuộc chiến hay không.

Theo đó, thỏa thuận trên giấy tờ sẽ không nhất thiết chuyển thành một thỏa thuận trên thực tế. Nga sẽ bảo vệ hành lang Lachin quan trọng, nhưng liệu con đường hứa hẹn nối Nakhchivan với Azerbaijan có sớm thành hiện thực?

Đó sẽ là một con đường khó mở ra khi người dân Armenia phẫn nộ chống lại thỏa thuận và sự cảnh giác của chính Moscow đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể khai thác mối liên kết để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Giới phân tích đánh giá, thỏa thuận là một bước lùi đối với “Nguyên tắc Madrid” do nhóm Minsk thúc đẩy, nhằm cho phép người dân Nagorno-Karabakh xác định tình trạng của họ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Thỏa thuận của Nga công nhận vùng đất này là lãnh thổ của Azerbaijan. Do đó, thời điểm Nga chấm dứt hoạt động gìn giữ hòa bình, Nagorno-Karabakh sẽ thuộc quyền kiểm soát của Baku.

Trong trường hợp đó, người Armenia sẽ mất niềm tin vào Nga và có khả năng sẽ quay sang phương Tây. Lập trường của Armenia cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể và lẽ ra phải thể hiện ý chí lớn hơn và sử dụng nhiều vũ lực hơn để hỗ trợ Armenia, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Tuy nhiên, những lời chỉ trích như vậy có thể là quá sớm. Việc Nga kích hoạt Hàng không Tầm xa - một nhánh của Không quân Nga được giao nhiệm vụ bắn phá tầm xa các mục tiêu chiến lược - để tuần tra chiến đấu trên khu vực Caspi có thể đóng một vai trò trực tiếp đối với việc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev quyết định đình chỉ hoạt động quân sự.

Các nhà sử học sẽ cân nhắc xem liệu phản ứng chậm trễ của Nga có phải là một sai lầm hay không. Tuy nhiên, một điều thực tế dễ nhận thấy là Armenia đã tính toán sai, đặc biệt khi đánh giá thấp vai trò của các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất hỗ trợ cho Azerbaijan.

Một phần lớn khí tài quân sự của Armenia đã bị máy bay không người lái Azerbaijan phá hủy trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần, cho thấy rõ cái giá khủng khiếp mà một quốc gia có thể phải trả khi dựa vào một chiến lược phòng thủ không rõ ràng và lỗi thời.   

Bất kỳ đánh giá khách quan nào về vai trò của Nga trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh chắc chắn sẽ đưa đến một đánh giá hỗn hợp nêu ra những ưu và nhược điểm đối với chiến lược “trò chơi chờ đợi” của Moscow, sau đó mới dẫn đến hòa giải tích cực và vận động sức mạnh.

Đánh giá cuối cùng là về thỏa thuận hòa bình đã bị chính người Armenia tỏ ra hoài nghi. Việc phía Armenia thiếu đồng thuận chính trị rõ ràng có nghĩa là thỏa thuận do Nga làm trung gian chỉ là bước dạo đầu cho cuộc chiến tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết ""Cửa nhà" Nga bất khả xâm phạm, Thổ Nhĩ Kỳ không đủ lực "giỡn mặt"" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).