Korean Air xúc tiến mua lại Asiana Airlines

14/11/2020 12:31

Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air đang xem xét mua lại hãng hàng không Asiana Airlines sau khi thương vụ sáp nhập của Công ty phát triển Hyundai (HDC) không thành công, theo KBS.

Một nguồn thạo tin về giới doanh nghiệp hàng không và tài chính cho biết Korean Air đang xúc tiến mua lại Asiana Airlines, và đang đàm phán với Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) để xem xét.

Ariana Airlines

Asiana Airlines là hãng hàng không lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, sau Korean Air (trong ảnh). Ảnh Yonhap News

Nguồn tin này cho biết việc hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc mua lại Asiana Airlines là phương án có thể giải quyết được mọi vấn đề cho cả hai công ty. Vấn đề độc quyền có thể được xem xét ngoại lệ do ngành hàng không đang đứng trước khủng hoảng.

Về thông tin trên, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc đã ra thông cáo báo chí cho biết đang xem xét nhiều lựa chọn, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Sau khi thương vụ mua lại Asiana Airlines của HDC bị phá sản, vào tháng 9 năm nay, hãng hàng không Asiana Airlines được đặt dưới sự quản lý của nhóm chủ nợ, đứng đầu là ngân hàng KDB.

Hồi tháng 12/2019, liên danh do nhà phát triển bất động sản HDC Hyundai Development dẫn đầu đã nhất trí mua lại một phần cổ phần kiểm soát của Kumho Industrial ở Asiana Airlines. Đồng thời, Hyundai cũng bơm lượng tiền mặt mới vào hãng hàng không này trong một thỏa thuận có giá trị 2.500 tỷ won (2,1 tỷ USD).

Tuy nhiên, vào ngày 11/9 vừa qua, ông Choi Dae-hyun, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), chủ nợ chính của Asiana - Kumho Industrial đã thông báo với HDC về việc hủy thỏa thuận trên. 

Kể từ khi thành lập tháng 2 năm 1988, hãng hàng không Asiana Airlines đã phát triển nhanh chóng và trở thành hãng hàng không quy mô lớn của Hàn Quốc. Hiện hãng đang sở hữu 86 máy bay, khai thác 74 đường bay quốc tế tới 63 thành phố tại 21 quốc gia trên toàn thế giới.

Năm ngoái, doanh thu của hãng đạt 7.183,4 tỷ won (6,14 tỷ USD), tăng 8,9% so với một năm trước, mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Dù doanh thu cao, nhưng lợi nhuận kinh doanh chỉ đạt 28,2 tỷ won (24,1 triệu USD), giảm 88,5% so với năm 2017. Thêm vào đó, lỗ ròng trong kỳ của hãng đạt 195,9 tỷ won (167,5 triệu USD), nên lợi nhuận bị chuyển thành thâm hụt.

Dù kinh doanh hầu hết đều có lãi, nhưng cơ cấu tài chính yếu kém và vay nợ quá mức đã khiến hãng rơi vào khủng hoảng. Tính tới quý II năm nay, tổng nợ của Asiana đã lên tới 9.598,9 tỷ won (8,2 tỷ USD), tỷ lệ nợ trên giá trị tài sản là 660%. Khủng hoảng tiếp diễn khiến tập đoàn Kumho Asiana phải đệ trình kế hoạch tự giải cứu lên nhóm chủ nợ, nhưng đã bị từ chối.

Sau đó, tập đoàn này đã phải sửa lại kế hoạch, đề xuất cả phương án bán lại hãng Asiana, và đã được nhóm chủ nợ chấp thuận. Sau đó, các chủ nợ đã rót thêm 1.700 tỷ won (1,45 tỷ USD) tiền vốn để hãng bình thường hoá hoạt động kinh doanh, rồi xúc tiến bán lại.

Asianan Airlines đã ngừng phần lớn các đường bay quốc tế từ tháng 3 năm 2020 do hơn 180 nước và vùng lãnh thổ đóng cửa biên giới hoặc hạn chế người nhập cảnh do đại dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Asiana Airlines lỗ ròng 432,9 tỷ won so với mức 267,4 tỷ won so với cùng kỳ năm trước.

Bạn đang đọc bài viết "Korean Air xúc tiến mua lại Asiana Airlines" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).