|
Tại Nghệ An, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các KCN trên địa bàn (cảng Cửa Lò, Nam Cấm, VSIP, WHA, Nghĩa Đàn) là khu vực tạo động lực quan trọng nhất vì đây là nơi tập trung nhiều dự án quan trọng, số vốn cao, nhiều lao động của địa phương. Hiện nay, để thực hiện “mục tiêu kép”, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Tám tháng đầu năm, dịch COVID-19 đã khiến việc thu hút đầu tư của tỉnh bị ảnh hưởng, việc đi lại tìm hiểu làm ăn của nhà đầu tư bị đình trệ nên kế hoạch đầu tư đành phải chờ đợi. Trong bối cảnh đó, Nghệ An vừa đẩy mạnh giải ngân vốn vừa tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo lực đẩy kinh tế, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về hạ tầng, môi trường… đón đợi các nhà đầu tư.
Báo Nghệ An thông tin hiện nay, Ban Quản lý KKT Đông Nam đang tham mưu thủ tục cấp phép và điều chỉnh đầu tư các dự án có quy mô lớn như: Điều chỉnh dự án khu xử lý và tái chế rác thải ECOVI (1.691 tỷ đồng); điều chỉnh dự án khu khách sạn, nhà hàng, du lịch sinh thái tại xã Nghi Yên - huyện Nghi Lộc (36 triệu USD); dự án khu trung tâm hành chính và sàn giao dịch sản phẩm gỗ (349 tỷ đồng), dự án tổ hợp sản xuất sản phẩm cơ khí (306 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, hỗ trợ thủ tục đầu tư các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập II (2,5 tỷ USD); dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hoàng Mai (1.699 tỷ đồng); dự án Nhà máy xử lý rác đốt phát điện Nghi Yên (1.361 tỷ đồng)...
Ban Quản lý KKT Đông Nam tiếp tục triển khai các dự án đường giao thông; đang thi công đúc dầm cầu và lắp dầm cầu sông Cấm; giải phóng mặt bằng đường nối vào cảng Nghi Thiết…
Về hạ tầng cảng biển, các nhà đầu tư tiếp tục triển khai bến cảng theo quy hoạch được duyệt. Cảng xi măng Vissai của Công ty CP Xi măng Sông Lam đã hoàn thành 3 bến nội địa (cho tàu 30.000 DWT, đi vào khai thác từ tháng 7/2020). Hiện, nhà đầu tư đang triển khai đầu tư 4 bến tiếp theo.
Ở cảng Cửa Lò, đến nay Công ty TNHH Cảng Cửa Lò đã hoàn thành bến số 5 (cho tàu 30.000DWT, đã khai thác từ tháng 5/2018); nhà đầu tư đang triển khai san lấp mặt bằng bến số 6. Trong khi đó, KCN Nam Cấm đã hoàn thành 1,15 km/2,3 km tuyến số 2 đường giao thông và đưa vào sử dụng.
Ở KCN-đô thị-dịch vụ VSIP Nghệ An, đến tháng 8/2020, đã giải phóng mặt bằng 437,74/750 ha (đạt 58,37%), đã đầu tư cơ bản hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 khoảng 226 ha; hoàn thành 12 tuyến đường nội bộ, hệ thống thoát nước giai đoạn 1 (37,38ha)…
KCN WHA Industrial Zone-1 Nghệ An đã giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án với 142,59 ha/143,5 ha (đạt 99,4%). Hiện KCN này đã giao đất, cho thuê đất với diện tích 136,63 ha cho nhà đầu tư. Các trục đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện, đèn chiếu sáng, viễn thông, khu xử lý nước thải, hồ điều hòa, trạm phòng cháy chữa cháy cơ bản hoàn thành.
KCN Nghĩa Đàn hiện đã hoàn thành tuyến đường trục chính vào KCN và nhà máy gỗ MDF.
|
Cùng với đầu tư hạ tầng để đón làn sóng đầu tư mới, Nghệ An cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thu hút các dự án đầu tư mới, hỗ trợ thủ tục cho các dự án đầu tư mở rộng; hỗ trợ, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ban Quản lý KKT Đông Nam cho biết đến tháng 8/2020, tỉnh Nghệ An đã cấp mới 12 dự án đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN khác với tổng vốn cấp mới đạt 1.929,1 tỷ đồng (có 4 dự án FDI tổng vốn đăng ký 48,7 triệu USD; 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 804 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 8 dự án, tổng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 5.985,9 tỷ đồng…).
Theo Chinhphu.vn