Ông “trùm thép” Trần Đình Long đã lấy lại vị thế như thế nào?

01/11/2020 10:17

Bất chấp dịch bệnh, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát điều hành doanh nghiệp (DN) đạt lợi nhuận tăng gấp đôi, tài sản của ông cũng tăng gấp rưỡi.

Hòa Phát tăng trưởng ấn tượng

Theo thống kê mới nhất của Forbes - tạp chí kinh doanh nổi tiếng thế giới, nhóm tỷ phú USD của Việt Nam vừa đón nhận trở lại 2 thành viên cũ là Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long và Chủ tịch tập đoàn Masan – ông Nguyễn Đăng Quang.

Trong đó, sự trở lại “đường đua” của ông Trần Đình Long sau 2 năm vắng bóng, được cho là “thần tốc”, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng xấu đến mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước. Cụ thể, thời gian qua, tập đoàn Hòa Phát gây nhiều chú ý khi đã “lội ngược dòng” khó khăn để tăng trưởng ấn tượng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 của công ty CP tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) phản ánh, doanh thu thuần quý 3/2020 đạt 24.685 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Riêng hoạt động sản xuất và kinh doanh thép - lĩnh vực chiếm 85,6% tỷ trọng doanh thu của DN - đã mang về 32.019 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.038 tỷ đồng lãi sau thuế. Cả hai chỉ số nói trên đều cao hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.

Sau “cú bắt tay” trị giá 1 tỷ USD với bầu Đức năm 2018, đến giờ mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu đóng góp nhiều hơn cho tập đoàn. Theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, doanh thu thuần từ nông nghiệp của Hòa Phát đạt 2.791 tỷ đồng, cao hơn 53% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế mảng này hơn 455,5 tỷ đồng, tăng 4,4 lần.

Đầu tư - Ông “trùm thép” Trần Đình Long đã lấy lại vị thế như thế nào?

Cú bắt tay trị giá 1 tỷ USD giữa bầu Đức (trái) và tỷ phú Trần Đình Long đã giúp tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức được "hà hơi thổi ngạt" bằng nguồn vốn "tiền tươi", đồng thời giúp ông Long lấn sân sang mảng nông nghiệp.

Nông nghiệp của Hòa Phát bao gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò và gia cầm. Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt công suất tối đa 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.

Đáng lưu ý, mặc dù là “tân binh” trong mảng nông nghiệp, nhưng kết quả Hòa Phát vừa đạt được thậm chí đã “vượt mặt” ông lớn trong ngành là tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh). Cùng trong quý 3/2020, so với mức doanh thu nông nghiệp mà Hoà Phát đạt được là 2.791 tỷ đồng, Dabaco chỉ đạt 2.550 tỷ đồng, lợi nhuận của Hòa Phát đạt 488 tỷ đồng trong khi Dabaco chỉ đạt 387 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 56% so với cùng kỳ năm 2019. Tập đoàn thực hiện 75,6% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận năm. Đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đã vượt mức thực hiện của cả năm trước, và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Ông trùm thép “bỏ túi” thêm 500 triệu USD

Trên thị trường chứng khoán phiên chiều 30/10/2020, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang được giao dịch ở vùng giá 30.450 – 30.650 đồng/CP. Đặc biệt, hôm 27/10, mã này đứng đầu nhóm cổ phiếu có lượng giao dịch lớn nhất với hơn 25,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Chốt phiên, HPG tăng 1,95% lên mốc 31.400 đồng/CP.

Thị giá HPG bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2020, đến nay đã tăng gấp đôi kể từ mức thấp nhất hồi tháng 3 vừa qua. Theo các nhà phân tích, sự phục hồi này xuất hiện sau những tín hiệu lạc quan về tình hình kinh doanh của DN.

Ảnh hưởng tích cực này đã tác động đến khối tài sản của “ông trùm thép" Việt Nam. Ông Trần Đình Long - người sở hữu khoảng 34% cổ phần của Hòa Phát - hiện có giá trị tài sản từ cổ phiếu khoảng gần 1,5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD chỉ sau 5 tháng.

Được hưởng lợi từ chính sách

Ông Trần Đình Long (SN 1961) quê ở Hải Dương, nhưng lập nghiệp và hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986. Ông thành lập Hòa Phát với tư cách là nhà phân phối thiết bị và phụ tùng vào năm 1992, sau đó phát triển thành nhà sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép và thép xây dựng. Cổ phiếu HPG được niêm yết trên sàn vào năm 2007.

Năm 2015, công ty đa dạng hóa thêm một số ngành nghề kinh doanh gốm cả bất động sản và nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất thép vẫn là lĩnh vực then chốt. Hòa Phát đang là DN sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tháng 9/2020, tập đoàn Hòa Phát đã chính thức vượt lên dẫn đầu về sản lượng sản xuất thép thô với 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019.

Đầu tư - Ông “trùm thép” Trần Đình Long đã lấy lại vị thế như thế nào? (Hình 2).

Tập đoàn Hòa Phát vừa có kết quả tăng trưởng ấn tượng sau 9 tháng đầu năm 2020.

Ngày 26/10/2020, tạp chí Forbes có bài viết Ông trùm thép lấy lại vị thế tỷ phú khi kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, phân tích sự trở lại danh sách tỷ phú USD của Chủ tịch Hòa Phát. Bài báo nhận định, thành công của ông Long có một phần nguyên nhân quan trọng là việc mở rộng thép của Hòa Phát diễn ra vào năm 2017 với dự án Dung Quất (Quảng Ngãi). Hiện dự án thép có sản lượng 4 triệu tấn này đang phát huy tác dụng.

Ngoài ra, sau giai đoạn khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, chính sách hồi phục kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã khiến cho quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ thép cũng vì thế mà tăng cao.

Các nhà phân tích ước tính rằng khi khu liên hợp thép Dung Quất trị giá 2,6 tỷ USD đi vào hoạt động vào đầu năm 2021, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát sẽ tăng từ 30% lên 35%.

“Hòa Phát là một trong số các công ty lớn của Việt Nam được hưởng lợi từ những nỗ lực thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự bùng phát của coronavirus”, bài báo nhận định.

M.M

Tài sản của 6 tỷ phú USD Việt Nam

Theo thống kê của Forbes, hiện Việt Nam có 6 tỷ phú USD, với tổng tài sản ròng đạt 14,8 tỷ USD.

Đó là Chủ tịch Vingroup - tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với khối tài sản trị giá 6,6 tỷ USD; CEO hãng hãng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,2 tỷ USD); Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD); Chủ tịch tập đoàn Thaco – ông Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD); Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (1,5 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,4 tỷ USD).

 

Bạn đang đọc bài viết "Ông “trùm thép” Trần Đình Long đã lấy lại vị thế như thế nào?" tại chuyên mục VĂN HÓA – GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).