Vốn ngoại vào bất động sản sụt giảm

24/11/2020 08:02

Sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực bất động sản đã bị tụt hạng.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).

Tuy nhiên, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đạt gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

FDI vao bat dong san nam 2020 anh 1

Đồ họa: Như Ý.

Số liệu cho thấy tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý từ 0,264 tỷ USD lên 2,35 tỷ USD.

Như vậy, về xu hướng này, Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý III mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của Covid-19 đợt 2 và tháng Ngâu, thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý trước đó.

Bộ Xây dựng đánh giá đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản.

Quan sát của JLL cho thấy trong thời điểm đầu năm, mặc dù hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra chậm, nhiều đơn vị quốc tế đang có mặt ở Việt Nam vẫn kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, Việt Nam, là một thị trường mới nổi, việc thực hiện giao dịch bất động sản hiện vẫn còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, đcần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trinh phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Khanh đánh giá các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản đơn giản là giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán - thông qua chuyển nhượng dự án hoặc công ty. Khi Việt Nam đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính mạnh mẽ, cơ cấu giao dịch sẽ đa dạng và phức tạp hơn.

Tính từ đầu năm đến nay, khu vực bất động sản công nghiệp nổi lên là lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư quốc tế với nhiều thương vụ M&A sôi động đến từ những cái tên lớn như Logos Property, GLP hay SLP với giá trị lên đến hàng tỷ USD. Xu hướng này đến từ việc nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn tính đến kế hoạch dịch chuyển ra nước ngoài để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất và tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Báo cáo của JLL cũng cho thấy một số công ty đa quốc gia đã có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019 nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi các chi phí tăng cao.

Bạn đang đọc bài viết "Vốn ngoại vào bất động sản sụt giảm" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).