Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đặt câu hỏi, cây mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng người dân đang trồng một cách tự phát, tự chọn cây giống, tự chế biến thô,... còn khá phổ biến.
"Bộ có chiến lược, giải pháp gì để phát triển cây mắc ca ở Việt Nam một cách bền vững?", bà Xuân hỏi.
Trả lời câu hỏi của bà Xuân, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cây mắc ca hiện nay phát triển ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc, tuy nhiên bà con nông dân một số nơi tự phát trồng sẽ gặp hệ lụy.
Bộ trưởng cho hay, cây mắc ca là đối tượng cây trồng mới du nhập vào Việt Nam từ năm 1994. Qua quá trình khảo nghiệm hơn 20 năm thì khẳng định đây là một cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa mục tiêu. Nếu như phát triển tốt thì có thể vừa cho kinh tế, vừa tăng che phủ cho những vùng cần tăng nhanh diện tích che phủ.
Theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, qua 16 năm vào Việt Nam đã khẳng định được 2 vùng sinh thái phù hợp với cây mắc ca, là vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc, vì đối tượng cây này có một yêu cầu rất khắt khe về điều kiện để ra hoa, đậu quả, phải có mùa đông lạnh, nhiệt độ xung quanh khoảng 17-23 độ C ở giai đoạn ra hoa. Thời gian ra hoa, đậu quả đòi hỏi không chỉ nhiệt độ lạnh mà độ ẩm không khí vừa phải đến thấp. Nếu độ ẩm không khí cao thì mắc ca không đậu quả.
"Cho đến giờ phút này, chúng ta có diện tích khoảng 16.500 hecta ở 2 khu vực này. Để làm tốt cây này một cách có hiệu quả thì công tác kiểm soát giống hiện nay đã công nhận 13 giống, 16 đơn vị sản xuất với công suất là 3 triệu cây giống. Tôi đề nghị tất cả các tỉnh này yêu cầu khâu đầu tiên là bà con nông dân yêu cầu cây giống phải đến những cơ sở có địa chỉ này. Cơ sở này đã được thông báo đến tất cả các tỉnh", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, mắc ca là cây trồng mới, nên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp, các địa phương hướng dẫn cũng như các doanh nghiệp tham gia trong hệ sinh thái phát triển cây này.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phát triển sản phẩm gắn với chế biến. Nếu nơi nào không có chế biến thì chưa nên phát triển đối tượng cây mắc ca.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo đối với Tây Nguyên hiện nay, diện tích đất không còn. Do đó, cây mắc ca hiệu quả nhất đó là trồng xen với cà phê. Với 650.000 hecta cà phê, nếu dành ra một phần để trồng xen thì sẽ góp phần tăng hiệu quả của cây cà phê cũng như tăng hiệu quả đối tượng cây trồng mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngày 29/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về cây mắc ca tại Đắk Lắk.
"Do đó, chúng tôi mong rằng tới đây những biện pháp đưa ra, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện và để có một chủ trương phát triển căn cơ thì chính thức tại Diễn đàn đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hiệp hội cây mắc ca và các tỉnh xây dựng Chiến lược phát triển bền vững cây mắc ca tại Việt Nam đến năm 2025. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện chiến lược này để trình Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở để phối hợp cùng với các địa phương, trong đó có Tây Nguyên và Tây Bắc để thực hiện chủ trương này", Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Xuân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và có loại nào chứa dioxin hay không, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cho đến nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật lưu hành cho phép không có loại thương phẩm nào có chứa các chất độc dioxin.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam chủ trương hướng đến một nền nông nghiệp sạch để tập trung triển khai rất đồng bộ. Riêng chỉ có 4 năm mà Quốc hội thông qua các bộ Luật Nông nghiệp, trong đó 3 bộ luật là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và trong đó có những nội hàm rất sâu sắc để giảm hướng sử dụng các đầu vào bằng các chế phẩm cũng như thuốc hóa học.
Dù vậy, Việt Nam vẫn phải xác định nhiệm vụ này rất quyết liệt mới đảm bảo được yêu cầu đời sống cũng như của xã hội.
"Bộ sẽ tăng cường tiếp tục công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Tăng cường các lớp tập huấn để hướng dẫn bà con nông dân hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, bằng hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công tác kiểm soát, thanh tra để làm sao cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất", Bộ trưởng nói.