Netflix, Apple TV, WeTV thu gần 1.000 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam

11/11/2020 14:01

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Sáng 10/11, trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là sự cạnh tranh không cân bằng.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với 14 triệu thuê bao, doanh thu 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Quý I/2020 giảm khoảng 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống.

Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và 2020 tăng trưởng mạnh. Thuê bao của Netflix riêng quý I tại Việt Nam tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. 

574f421d-9618-4018-9616-ad9327adad09

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh nguồn báo Công an nhân dân

Các nền tảng này còn vi phạm nhiều quy định về nội dung, báo chí, điện ảnh và trẻ em. Có những nội dung phản ánh sai trái lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hoặc có nội dung bạo lực, ma túy, khiêu dâm.

“Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét. Thứ hai là việc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới; tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi nghị định về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thuế để gắn trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới, và các giải pháp về kỹ thuật nhằm yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật.

Trước đó, tại cuộc họp cuối tháng 10, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để đặt văn phòng đại diện, máy chủ ở Việt Nam để phục vụ công tác kê khai thuế.

Cơ quan thuế cũng đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.

Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.

Bạn đang đọc bài viết "Netflix, Apple TV, WeTV thu gần 1.000 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).